Hàn - Triều đối mặt nhiều vấn đề phức tạp khi đàm phán quân sự

Đường hải giới và Khu Phi quân sự là những vấn đề phức tạp mà Hàn - Triều phải đối mặt tại hội nghị quân sự cấp cao sắp tới.

 Tòa nhà Tongilgak, nơi diễn ra đàm phán quân sự cấp cao Hà - Triều ngày 14/6 tới. Ảnh: Nhà Xanh.

Theo tuyên bố tại hội nghị cấp cao liên Triều ngày 27/4, Hàn – Triều sẽ tổ chức đàm phán quân sự cấp cao vào ngày 14/6 ở Tongilgak, một tòa nhà thuộc kiểm soát của Triều Tiên ở Panmunjom thuộc Khu phi quân sự liên Triều để giảm căng thẳng quân sự và "loại bỏ thực tế nguy cơ chiến tranh", theo Yonhap.

Theo kế hoạch ban đầu, đàm phán sẽ diễn ra vào tháng 5 nhưng sau đó bị hoãn do Bình Nhưỡng đột ngột hủy bỏ đàm phán cấp cao song phương để phản đối tập trận không quân thường niên Mỹ - Hàn.

Giới quan sát cho rằng, tại cuộc đàm phán này, ban đầu hai bên có thể bàn tới những vấn đề ít nhạy cảm hơn như khôi phục đường dây liên lạc quân sự, duy trì đàm phán quốc phòng thường xuyên và thiết lập đường dây nóng giữa các chỉ huy hàng đầu.

Tuy nhiên, họ có thể trao đổi quan điểm về các vấn đề phức tạp hơn như biến Đường giới hạn phía Bắc (NLL) thành khu vực hòa bình trên biển và đưa Khu Phi quân sự (DMZ) thành khu vực hòa bình xác thực. Tại hội nghị thượng đỉnh tháng 4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đã thống nhất cùng giải quyết những vấn đề rắc rối liên quan đến NLL và DMZ.

NLL từ lâu đã là cái gai trong quan hệ quân sự liên Triều. Bình Nhưỡng cho rằng khu vực này đã bị Bộ Chỉ huy Liên Hợp Quốc (UNC) do Mỹ dẫn đầu đơn phương vạch ra sau khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Triều Tiên khẳng định đường biên giới này nên được xác định lại xa hơn về phía Hàn Quốc.

Trong các cuộc đàm phán đình chiến kéo dài hai năm, UNC và Triều Tiên đã thống nhất về phân giới đất liền nhưng không đạt được đồng thuận phân giới trên biển. Tại thời điểm đó, hai bên vẫn duy trì các cột mốc để xác định phạm vi lãnh hải. UNC đặt cột mốc trên 5 đảo ở biên giới phía tây theo tiêu chuẩn quốc tế lãnh hải biển giới hạn 3 hải lý khi đó. Triều Tiên tuyên bố lãnh hải giới hạn 12 hải lý từ bờ biển của mình.

Tư lệnh UNC là Mark W. Clark đã vạch Đường biên giới phía Bắc và Đường hạn chế tuần tra phía Bắc vào tháng 8/1953. Năm 1997, tên của hai đường này được thống nhất thành Đường giới hạn phía Bắc.

Từ đầu những năm 1970, hai bên thường xuyên xảy ra đụng độ khiến vùng biển gần NLL trở thành điểm nóng. Năm 1992, "ranh giới hàng hải không xâm phạm" được sửa đổi, hai bên xem nơi này là khu vực không xâm phạm.

Trong đàm phán quân sự tuần tới, một số nhà quan sát cho rằng nhiều khả năng quân đội hai nước sẽ thảo luận giảm bớt hoặc rút một số thiết bị quân sự hoặc đồn canh ở vùng đệm như một phần của nỗ lực ngăn chặn đụng độ bất ngờ và giảm căng thẳng biên giới.

Đàm phán cấp cao liên Triều lần trước được tổ chức vào tháng 12/2007. Tại đàm phán sắp tới, hai bên có thể cũng thảo luận tổ chức hội nghị bộ trưởng quốc phòng, vốn được tổ chức lần cuối vào tháng 9/2007.

 Đường giới hạn phía Bắc (NLL) và Khu Phi quân sự (DMZ) giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Đồ họa: Korea Herald.

 

Link nội dung: https://haiphong24h.org/han-trieu-doi-mat-nhieu-van-de-phuc-tap-khi-dam-phan-quan-su-a103866.html