Thất thoát tiền tỉ từ giải phóng mặt bằng

Hoạt động giải phóng mặt bằng có quá nhiều kẽ hở, tạo điều kiện phát sinh những sai phạm, gây thất thoát lớn cho nhà nước

Mới đây, TAND TP HCM đã tuyên án tử hình đối với ông Thi Danh (SN 1957) - nguyên Trưởng Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng (BTGPMB) quận Tân Phú, TP HCM - và 15 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Duy Linh (SN 1981, nguyên Kế toán trưởng Ban BTGPMB quận Tân Phú) cùng tội "Tham ô tài sản". Án đã tuyên nhưng câu hỏi mà dư luận đặt ra là có phải Ban BTGPMB các quận - huyện lớn quyền đến mức có thể làm sai trong một thời gian dài mà không ai biết?

Dễ dàng chiếm đoạt hàng chục tỉ

Trở lại câu chuyện bị cáo Thi Danh, đường dẫn đến án tử của bị cáo này xuất phát từ việc ông Danh được giao làm chủ 3 tài khoản của Ban BTGPMB quận Tân Phú. Theo cáo trạng, lợi dụng quyền này, ông Danh đã cấu kết với Nguyễn Duy Linh làm chuyện trái pháp luật. Từ tháng 11-2003 đến tháng 1-2016, Ban BTGPMB quận Tân Phú được UBND quận Tân Phú giao thực hiện nhiều dự án trên địa bàn; trong đó có 6 dự án (nổi bật nhất dự án mở rộng đường Lũy Bán Bích và Tân Hóa - Lò Gốm) được các bị cáo "nhận diện" có nhiều sơ hở như đang triển khai, chưa quyết toán, kinh phí bồi thường, hỗ trợ chưa chi hết hoặc người dân chưa nhận bồi thường, còn khiếu nại nên dùng thủ đoạn chiếm đoạt 54,1 tỉ đồng.

 Chỉ tính riêng dự án mở rộng đường Lũy Bán Bích, nguyên Trưởng Ban BTGPMB quận Tân Phú đã "nuốt" hàng tỉ đồng Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo nhận định của các luật sư, để xảy ra tình trạng chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng trên trong thời gian dài một phần là do sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của các cán bộ lãnh đạo UBND quận Tân Phú trong giai đoạn này. Tuy nhiên, UBND quận Tân Phú trả lời Công an TP HCM rằng do Ban BTGPMB quận Tân Phú không phối hợp với Phòng Tài chính Kế hoạch trong việc ứng vốn nên không có cơ sở để biết và theo dõi việc tạm ứng kinh phí bồi thường. Trong khi đó, các năm 2012, 2013, 2014, Phòng Tài chính Kế hoạch đều thành lập tổ kiểm tra hoạt động thu chi thường xuyên phí 2% (phí này được trích 2% tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư để trả lương, văn phòng phẩm…). Riêng năm 2015, Phòng Tài chính Kế hoạch nêu lý do rằng Ban BTGPMB quận Tân Phú chưa nộp báo cáo tài chính nên chưa kiểm tra.

Kết quả kiểm tra cho thấy từ năm 2012 đến 2014, Ban BTGPMB quận Tân Phú đã sử dụng không đúng quy định nên Phòng Tài chính Kế hoạch báo cáo lên UBND quận Tân Phú chấn chỉnh. Vì tổ kiểm tra không kiểm tra toàn diện hoạt động thu chi tài chính đối với 6 dự án do Ban BTGPMB quận Tân Phú quản lý, sử dụng nên lãnh đạo UBND quận Tân Phú, Phòng Tài chính Kế hoạch và các đơn vị liên quan không kịp thời phát hiện việc ông Danh chiếm đoạt hơn 54 tỉ đồng (?!).

Ngoài vụ việc ở Tân Phú, cơ quan chức năng còn phát hiện không ít những sai phạm trong hoạt động BTGPMB ở các quận - huyện khác. Cụ thể, vụ ông H.Đ.T (nguyên chủ tịch phường An Khánh, quận 2) cùng đồng phạm đã chiếm đoạt của nhà nước 2,7 tỉ đồng; vụ T.P.T (nguyên kế toán Ban BTGPMB quận 10) chiếm đoạt hơn 6,7 tỉ đồng; T.Đ.T (cán bộ Ban BTGPMB quận Bình Tân) chiếm đoạt 440 triệu đồng…

UBND TP yêu cầu lập tức chấn chỉnh

VKSND TP HCM nhận định những vụ án xảy ra tại các Ban BTGPMB không chỉ thiệt hại về tài sản mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự quản lý nhà nước về quy hoạch, sử dụng đất đai, xây dựng. Để xảy ra những sai phạm này có nhiều nguyên nhân nhưng chính yếu vẫn là do một số người có chức vụ, quyền hạn tại các cơ quan, đơn vị, địa phương vì vụ lợi đã cố ý làm trái quy định của nhà nước. Ngoài ra, theo VKSND TP, việc thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý địa bàn, cán bộ trong lĩnh vực quản lý nhà đất, quản lý tài sản; không kiểm tra các quy trình nghiệp vụ, hồ sơ sổ sách liên quan, không giám sát các nội dung công việc cụ thể dẫn đến bị đối tượng xấu lợi dụng... cũng là nguyên nhân, trách nhiệm cần xem xét.

Từ những thực trạng này, VKSND TP kiến nghị UBND TP HCM chỉ đạo các sở, ngành thực hiện đúng quy định của pháp luật trong công tác đền bù giải tỏa. Kịp thời lắng nghe ý kiến phản ánh của các cơ quan truyền thông, của nhân dân để xác minh và phòng chống những hiện tượng vi phạm. VKSND TP HCM cũng kiến nghị tăng cường công tác thanh tra, giám sát quy trình nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi phạm tội.

Trước hàng loạt sai phạm xảy ra ở bộ phận BTGPMB tại nhiều quận - huyện, UBND TP HCM đã chỉ đạo chấn chỉnh. Theo đó, UBND TP HCM giao UBND quận - huyện xây dựng phương án kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của Ban BTGPMB các quận - huyện để chủ động hỗ trợ đầu tư công tác BTGPMB.

UBND TP HCM giao Sở Nội vụ theo dõi, hướng dẫn UBND các quận, huyện thực hiện phương án kiện toàn tổ chức bộ máy theo đúng quy định. Đồng thời, thường xuyên có chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực hằng năm cho các Ban BTGPMB các quận, huyện ngay từ năm 2016.

Theo Sở Nội vụ TP, về nguyên tắc, nếu trên địa bàn các quận - huyện ít phát sinh hoặc không còn các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng thì phải thực hiện rà soát, sắp xếp lại bộ máy hoạt động của Ban BTGPMB cho phù hợp với tình hình thực tế, nhiệm vụ chung. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở Nội vụ đã khảo sát, yêu cầu UBND các quận - huyện báo cáo chức năng, nhiệm vụ của Ban BTGPMB; số lượng người làm việc; tình hình thu chi, tạm ứng kinh phí cũng như những thuận lợi, khó khăn trong quá trình hoạt động. Từ đó, Sở Nội vụ TP tham mưu cho UBND TP HCM kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực của Ban BTGPMB.

Quyền quá lớn!

Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM) nhận định: Nếu không giao quyền quá lớn cho Ban BTGPMB, không cho họ quyền tự thu chi, quyết toán và có quy trình kiểm tra chéo thì làm sao họ có thể phạm tội trong một thời gian dài với số tiền lớn được? Để kịp thời phát hiện thì các cơ quan nhà nước cần cải cách thủ tục hành chính, công khai hóa các quy định của pháp luật liên quan đến đền bù giải tỏa để người dân tường tận, tránh bị ăn chặn tiền. Nếu những quy định nào thiếu chặt chẽ, lỗi thời thì cần phải chấn chỉnh tránh tạo điều kiện phát sinh tội phạm.

 

Link nội dung: https://haiphong24h.org/that-thoat-tien-ti-tu-giai-phong-mat-bang-a104217.html