Việc bảo lãnh cho một số rủi ro của hợp đồng PPP là cần thiết để bảo đảm thu hút được khu vực tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng. Ảnh: Nhã Chi |
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, hiện vẫn thiếu những cơ chế cần thiết để bảo đảm niềm tin khi rót nguồn vốn lớn vào những dự án có thời gian hoàn vốn dài hàng chục năm tại Việt Nam.
Kỳ vọng ở Luật PPP
Từ khi Quyết định 71/2010/QĐ-TTg được ban hành thể hiện định hướng, quyết tâm của Chính phủ trong thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP, đến Nghị định 15/2015/NĐ-CP và sắp tới là Nghị định 63/2018/NĐ-CP, nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài kỳ vọng sẽ sớm được hợp tác triển khai các dự án PPP tại Việt Nam. Tuy nhiên, trở ngại chính mà các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại là những rủi ro ngoài tầm kiểm soát, trong khi quy định hiện hành lại thiếu những cơ chế bảo lãnh cần thiết.
Từ thực tiễn triển khai các dự án BOT giao thông, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho rằng, để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, cần thiết có cơ chế bảo lãnh đối với một số dự án PPP giao thông quan trọng. Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chấp thuận các cam kết, bảo lãnh, gồm bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh bên thứ ba đối với trách nhiệm của Chính phủ; đồng thời kiến nghị cho phép áp dụng thí điểm đối với 2 dự án gồm Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Dự án Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch.
Bộ Tài chính cũng cho rằng, đầu tư theo hình thức PPP có nhiều ưu điểm, song phức tạp hơn so với mô hình đầu tư công truyền thống. Các dự án hạ tầng giao thông chứa đựng nhiều rủi ro từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư cho đến giai đoạn vận hành nên nhiều nhà đầu tư không tự tin ký hợp đồng PPP dài hạn với Chính phủ, nhất là ở các nước đang phát triển.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, các quy định liên quan đến PPP đã tiệm cận với thông lệ quốc tế, nhưng quá trình triển khai còn liên quan đến nhiều luật khác. Một số quy định liên quan đến bảo đảm của Chính phủ, đặc biệt là về quản lý ngoại hối chưa giải quyết được ở cấp nghị định. Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nêu ví dụ, nhiều dự án BOT không đàm phán được vì nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu Chính phủ bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ. Thứ trưởng kỳ vọng khi có luật về PPP, những vấn đề bảo đảm thu hút nhà đầu tư nước ngoài sẽ đi vào thực tiễn hơn.
Nhiều quốc gia thực hiện bảo lãnh
Theo thông lệ quốc tế, rủi ro các dự án PPP có thể được chia sẻ thông qua các công cụ như hợp đồng mua/bán giữa Chính phủ và nhà đầu tư; sản phẩm bảo hiểm (chuyển rủi ro của dự án sang bên thứ ba có đủ năng lực để xử lý như các công ty bảo hiểm); bảo lãnh chính phủ, các công cụ phòng ngừa rủi ro trên thị trường vốn.
Nhiều nước trong giai đoạn đầu phát triển dự án PPP cũng áp dụng các cơ chế bảo lãnh để thu hút vốn đầu tư tư nhân. Hàn Quốc là một điển hình. Năm 1999, Hàn Quốc bắt đầu áp dụng cơ chế bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho dự án do Nhà nước đề xuất (bảo lãnh 90% doanh thu) và dự án do nhà đầu tư đề xuất (80% doanh thu). Chính phủ Hàn Quốc áp dụng cơ chế bảo lãnh cho toàn bộ thời gian vận hành dự án. Đến năm 2003, Chính phủ Hàn Quốc giảm thời gian bảo lãnh cho các dự án xuống và năm 2009 thì dừng áp dụng hình thức bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho các dự án BTO.
Bên cạnh đó, bảo lãnh tỷ giá hối đoái đã được áp dụng ở một số quốc gia như Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Chile trong giai đoạn đầu thực hiện PPP.
Ngoài ra còn có một số hình thức bảo lãnh khác đã được áp dụng như bảo lãnh thu nhập tối thiểu, bảo lãnh giá trị hiện tại của doanh thu thấp nhất cho các dự án giao thông đường bộ.
Theo Bộ Tài chính, từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn triển khai ở Việt Nam cho thấy, việc Chính phủ chấp thuận bảo lãnh cho một số rủi ro của các hợp đồng PPP là cần thiết để bảo đảm thu hút được khu vực tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, năng lực tài chính, khả năng quản lý và môi trường đầu tư, Chính phủ sẽ phải lựa chọn áp dụng các công cụ bảo lãnh phù hợp.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/nha-dau-tu-nuoc-ngoai-can-co-che-bao-lanh-rui-ro-phu-hop-a104472.html