Việt Nam đóng góp tích cực tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng

Đêm 11/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu đã kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada.

Đây là chuyến đi với nhiều điểm nhấn thành công quan trọng, thể hiện sự chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong giải quyết thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển; đồng thời thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Canada đi vào chiều sâu.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các trưởng đoàn G7 và G7 mở rộng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Với các chủ đề về phát triển bền vững, bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ, đặc biệt là vấn đề biển và đại dương, Hội nghị G7 mở rộng đã đánh giá ô nhiễm và khai thác không bền vững các tài nguyên thiên nhiên biển và đại dương là thách thức chung của toàn cầu, đe dọa sự phát triển bền vững của cả hành tinh, trước hết là các quốc gia ven biển. Thông điệp hội nghị đưa ra là tăng cường hợp tác toàn cầu và khu vực trong bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương.

Cùng với việc ủng hộ sáng kiến của Canada về tăng cường hợp tác quốc tế trong ngăn ngừa và xử lý rác thải nhựa ra đại dương và thúc đẩy bình đẳng giới trong ứng phó biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng đã chủ động đưa ra các đề xuất, sáng kiến để giải quyết tình trạng này.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, người tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến đi, đánh giá chuyến đi, trong đó khẳng định Châu Á chỉ có hai nước là Việt Nam và Bangladesh được mời tham dự hội nghị. Điều đó cho thấy Canada và các nước G7 đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam. Những kinh nghiệm, chia sẻ, và đặc biệt là các sáng kiến mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất tại hội nghị thúc đẩy hợp tác quốc tế trong ứng phó viến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn ngừa xả rác thải nhựa ra biển; cũng như đảm bảo hòa bình, an ninh, hợp tác quốc tế trên biển, đã được nhiều nước thành viên và các tổ chức quốc tế tham dự hội nghị hoan nghênh. Điều này cũng ghi một dấu ấn đậm nét của Việt Nam cũng như cá nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị quan trọng này.

Hai sáng kiến mà Việt Nam đề xuất là các nước G7 xem xét thành lập một Diễn đàn hợp tác mở rộng giữa các nước G7 và các quốc gia ven biển về ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bảo vệ môi trường sinh thái biển; đề nghị cộng đồng quốc tế thảo luận để tiến tới thiết lập một “Cơ chế hợp tác toàn cầu về ngăn ngừa xả rác thải nhựa”.

Thủ tướng cũng đề nghị các nước và tổ chức quốc tế ủng hộ sáng kiến của Việt Nam về “Dự án vùng vì một đại dương không rác thải nhựa” sẽ được nêu tại Hội nghị Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) được tổ chức tại Việt Nam vào cuối tháng 6 này. Các sáng kiến của Việt Nam được các nước đánh giá cao.

Theo ước tính có 400 triệu tấn rác thải nhựa trong các đại dương, nếu không có biện pháp phù hợp thì đến 2050 số rác thải nhựa này sẽ tăng 4 lần, đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái biển. Với Việt Nam, hàng chục triệu người dân sinh sống tại vựa lúa của thế giới là đồng bằng Sông Cửu Long đang gặp nhiều khó khăn vì nước biển dâng và mặn xâm nhập.

Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến đi, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên khẳng định, các nước G7 đánh giá Việt Nam là nước có trách nhiệm góp phần cùng cộng đồng thế giới trong việc bảo vệ môi trường, trong đó có việc thực hiện cam kết giảm thải khí nhà kính theo Hội nghị COP21.

Thứ trưởng cho rằng sự đóng góp của Việt Nam thời gian qua được thế giới và các nước phát triển ghi nhận, có sự giúp đỡ và tin chắc rằng Việt Nam sẽ thực hiện tốt vai trò một nước có trách nhiệm trong việc chung tay với các nước để chống biến đổi khí hậu.

Tại hội nghị này, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu đại dương xanh chỉ có thể đạt được khi môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác được gìn giữ và lan tỏa trên các đại dương. Theo đó cần tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước UNCLOS 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý nhằm củng cố hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Nhân dịp tham dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có 14 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các nước thành viên G7, G7 mở rộng và các tổ chức quốc tế, như Nhật Bản, Argentina, Nauy, Liên Hợp quốc, Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế.

Thủ tướng đã đề nghị các đối tác ủng hộ Việt Nam ứng cử là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; hưởng ứng và tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF-ASEAN vào tháng 9 tại Hà Nội; ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam về biển Đông.

Cùng với những thành công của chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, chuyến thăm Canada của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hai nước vừa ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP.

Chưa đầy một năm, kể từ khi Thủ tướng Trudeau thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11/2017, hai Thủ tướng đã có lần hội đàm thứ hai, tạo sung lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện phát triển. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Toàn quyền Canada Julie Payette.

Tại hội đàm, Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của Canada tại khu vực; đánh giá cao đóng góp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Việt Nam vào thành công của Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, đặc biệt là các sáng kiến của Việt Nam trong hợp tác nâng cao khả năng ứng phó của các cộng đồng ven biển, hỗ trợ phát triển nghề cá bền vững và bảo vệ môi trường đại dương.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Canada Justin Trudeau hội đàm hẹp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Hai Thủ tướng cũng đã thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực chính trị-ngoại giao; thương mại, đầu tư và phát triển; quốc phòng an ninh, giáo dục, đào tạo, lao động và khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, giao lưu nhân dân và quan hệ địa phương. Hai Thủ tướng hoan nghênh các đối tác hai bên đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực khoa học-công nghệ; hạ tầng giao thông…trong chuyến thăm, góp phần hiện thực hóa quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, tháp tùng Thủ tướng trong chuyến đi này, đánh giá, trong chuyến đi này, nhiều doanh nghiệp Canada quan tâm đến đầu tư phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam, lĩnh vực mà Canada có thế mạnh còn Việt Nam có nhu cầu. Ước tính Việt Nam có tiềm năng điện gió khoảng 215.000 MW, điện mặt trời tới 340.000 MW, nhưng thực tế tổng công suất điện gió và điện mặt trời của nước đến 2020 mới đạt tổng cộng 1.400 MW.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Canada là quốc gia đi đầu trong sử dụng và ứng dụng năng lượng sạch, đặc biệt trên cơ sở công nghệ tiên tiến, hiện đại. Trong cơ cấu năng lượng của Canada thì 19,8% là các nguồn năng lượng sạch. Chúng ta tìm thấy ở Canada một nhà đầu tư không chỉ tiềm năng về công nghệ mà còn cả năng lực thực tế trong triển khai. Bởi vì Canada đã cho chúng ta kinh nghiệm rất thực tế trong triển khai quản lý về về nước và phát triển năng lượng sạch. Chính vì vậy trong chuyến đi lần này, chúng ta có điều kiện tiếp xúc rộng rãi với các cộng đồng doanh nghiệp của Canada và quốc tế để giới thiệu thác tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch tại Việt Nam.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Canada, gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp hai nước về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, đào tạo lao động, vấn đề thúc đẩy thương mại song phương.

Thủ tướng cho rằng, mức kim ngạch thương mại hai chiều hiện nay trên 6 tỷ USD mức vốn đầu tư 3,5 tỷ USD chưa khai thác hết tiềm năng hợp tác hai nước. Do đó, Thủ tướng đã nhấn mạnh đến cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong bối cảnh CPTPP sắp có hiệu lực.

Theo đó, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế, trong đó, 65,8% số dòng thuế sẽ về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Lúc đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính của Canada vào Việt Nam sẽ được miễn giảm thuế như thuế suất 18% đối với cá hồi tươi ướp lạnh và đông lạnh sẽ về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, cho rằng, Hiệp định mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp hai nước. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nếu theo tính chất khung của những quy định trong Hiệp định CPTPP thì cả Việt Nam và Canada đều là những nước được hưởng lợi từ quá trình tự do hóa. Trong đó, hàng loạt các sản phẩm chủ lực của Canada sẽ được Việt Nam và các nước thành viên khác xem xét cắt giảm các hàng rào thuế quan tới hơn trên 64% ngay từ năm đầu tiên, trong đó có các sản phẩm rất cơ bản của Canada về chế biến thực phẩm, các ngành công nghiệp về xây dựng, hóa chất, công nghiệp ô tô…

 Lễ tiễn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại sân bay quốc tế Jean-Lesage, thành phố Quebec. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Cùng chung quan điểm về tiềm năng hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam-Canada còn rất lớn, ông Vincent Joli-Coeur, Phó Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Canada, thông tin đến các doanh nghiệp Canada, trong đó khẳng định trong số những quốc gia mà Ngân hàng Quốc gia Canada hiện diện thì Việt Nam đứng thứ nhất về sự cởi mở đối với đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng hoàn thiện các tiêu chuẩn không chỉ về cơ sở hạ tầng mà là đạo đức kinh doanh. Ông Vincent Joli-Coeur khẳng định, mỗi lần đến thăm Việt Nam, ông đều cảm nhận chất lượng cơ sở hạ tầng tốt hơn. Ông Vincent Joli-Coeur đề nghị các doanh nghiệp Canada khi đến với Việt Nam hãy gặp ông và ông sẽ có nhiều thông tin về cơ hội đầu tư chia sẻ với các doanh nghiệp.

Trong chuyến đi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã dành thời gian gặp gỡ, thăm hỏi cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Canada; thăm Đại học Quốc tế Laval tại Bang Québec; viếng tượng đài Nguyễn Trãi tại Quebec.

Có thể nói chuyến đi đã thành công tốt đẹp ở cả phương diện thúc đẩy hợp tác song phương, Đối tác toàn diện Việt Nam –Canada và khẳng định thêm vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là sự chủ động và tích cực giải quyết các thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu và môi trường biển hiện nay./.

Link nội dung: https://haiphong24h.org/viet-nam-dong-gop-tich-cuc-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-g7-mo-rong-a104639.html