Tự chủ không đồng nghĩa với tăng học phí vô tội vạ |
Theo dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, khi được tự chủ, các trường ĐH sẽ tự xác định mức học phí theo cách tính đúng, tính đủ. Chính phủ không còn quy định mức trần như hiện nay.
Dư luận lo lắng chủ trương này sẽ dẫn đến tình trạng các trường lạm phát tăng học phí. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều trường ĐH, không trường nào dám đánh đổi tăng học phí với tuyển sinh.
Chia sẻ tại hội nghị cán bộ chủ chốt mở rộng với chủ đề tự chủ ĐH: cơ hội – thách thức do trường ĐH Y Hà Nội tổ chức hôm qua, 11/6, PGS.TS Phạm Thị Bích Nguyệt, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế TPHCM cho biết trường đã được tự chủ từ lâu.
Nhưng nguồn thu chủ yếu của trường bao nhiêu năm nay vẫn phụ thuộc vào học phí. Mong muốn của trường là giảm phụ thuộc vào học phí nhưng đến nay vẫn chưa làm được.
PGS. Nguyễn Thị Bích Nguyệt cho biết học phí ngành cao nhất của trường là 17.500.000d/năm. Số tiền này, nếu tính ra chưa đủ, chưa đúng để đào tạo. Nhưng do Nghị định 86 Chính phủ đang khống chế mức trần học phí nên trường không thể thu cao hơn.
Tuy nhiên, PGS. Nguyễn Thị Bích Nguyệt khẳng định, không có trường nào giết chết mình bằng mức học phí không tương đương với chất lượng đào tạo.
Nghị định số 86/2015/ngày 2/10 của Chính phủ quy định đối với các trường tự chủ tài chính, mức trần học phí sẽ được phân theo nhóm ngành nghề. Theo đó, mức học phí bình quân tối đa chương trình đại trà trình độ ĐH hệ chính quy được phép thu từ 11,5-16 triệu đồng trong năm học 2015-2016. Các nhóm ngành nghề khác cao hơn, riêng nhóm ngành y - dược được đề xuất tối đa tới 45 triệu đồng/năm.
Cũng liên quan đến vấn đề học phí khi cho các trường ĐH tự chủ, PGS. Nguyễn Đức Hinh, hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho rằng nếu việc gì nhà nước cũng “ôm” thì sẽ dẫn đến tình trạng vô trách nhiệm ở các trường. Đào tạo tiến sĩ trước đây là một ví dụ điển hình.
PGS. Hinh cho rằng tự chủ là một thuộc tính của ĐH. Các trường phải chịu trách nhiệm, minh bạch trước xã hội. Khung giá dịch vụ giáo dục cũng thế. Ông ví von: Nếu bát phở trị giá 50.000đ, bán 200.000đ chắc chắn không ai đến và phải đóng cửa. Bát phở trị giá 50.000đ nhưng bán 10.000đ thì chắc chắn sẽ phải phá sản. Ở mức độ giới hạn nhất định nào đó thì có thể chấp nhận được. Ví dụ dùng thịt bò Nhật thì có thể 80.000đ – 100.000đ. Học phí ĐH cũng thế.
Cũng theo PGS. Hinh, khi tính toán đến học phí, các trường đều phải dựa vào hai yếu tố: sức chịu đựng của người dân và chất lượng đào tạo.
Theo PGS. Nguyễn Đức Hinh, học phí của ngành Y chắc chắn cao hơn tất cả các ngành khác.Vì trên thế giới không có nước nào đào tạo y học phí thấp. Vì vậy, khi tự chủ, phải có chính sách đối với sinh viên học y như nhà nước cho vay. Đây cũng là động lực để sinh viên học tốt hơn.
“Đừng nghĩ sinh viên đi học phải được bao cấp. Sư phạm vừa qua là một bài học. Một trong những động lực đó là kinh tế” – PGS. Hinh nói.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/hoc-phi-dh-bat-pho-50000d-khong-ai-ban-200000d-a104710.html