"Vũng lầy" 7.000 tỷ đồng: Loạt sếp lớn bị khởi tố, bắt giam, truy nã

Loạt cựu sếp nhà máy xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng (PVTex) thua lỗ hàng nghìn tỷ đã bị khởi tố, bắt giam và bị truy nã. Còn nhà máy 7.000 tỷ dù đã khởi động lại nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, rắc rối.

Loạt “bộ sậu” bị khởi tố, bắt giam và truy nã

Năm 2008, nhà máy xơ sợi Đình Vũ Hải Phòng (PVTex) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được phê duyệt đầu tư với số vốn lên đến gần 325 triệu USD (khoảng 7.000 tỷ).

Theo kế hoạch, tháng 8/2011 nhà máy này phải đi vào hoạt động chính thức. Thời điểm đó, ông Trần Trung Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVTex, đã bày tỏ: "Chúng tôi phấn đấu đưa nhà máy vào vận hành sớm một tháng so với tiến độ. Đây là điều không hề dễ. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm và tôi tin rằng chúng tôi sẽ làm tốt". Khi ấy, ông Trần Trung Chí Hiếu cũng khoe rằng: Tính đến ngày 24/12/2010, tiến độ tổng thể của Dự án đạt 82,23% vượt 0,48% so với kế hoạch đề ra.

Thế nhưng, thực tế cho thấy, dự án này bị chậm tiến độ, mãi đến tháng 5/2014 nhà máy mới đi vào hoạt động thương mại.

Hàng loạt cựu sếp nhà máy xơ sợi Đình Vũ – Hải Phòng (PVTex) thua lỗ hàng nghìn tỷ đã bị khởi tố, bắt giam và bị truy nã.

Đi vào vận hành, Nhà máy liên tục lâm cảnh thua lỗ. Tổng số lỗ tính đến 31/3/2015 đã lên tới 1.732 tỷ đồng, nhà máy 7.000 tỷ nằm chết dí nhiều năm trời. Mới đây, nhà máy này hoạt động trở lại nhưng tương lai còn đầy bấp bênh.

Trong kết luận thanh tra PVTex, Thanh tra Chính phủ nhận định, quá trình thanh tra dự án đã phát hiện có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.

Do đó, cơ quan này kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Ngày 19/6/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVTex và các đơn vị liên quan.

Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố 5 bị can, ra lệnh bắt tạm giam 4 bị can (một người bị bắt trước đó) gồm Trần Trung Chí Hiếu - nguyên Chủ tịch HĐQT PVTex; Vũ Đình Duy - nguyên Tổng giám đốc PVTex; Vũ Phương Nam - kế toán trưởng; Đào Ngọ Hoàng - nguyên Trưởng phòng Thương mại hợp đồng PVTex và Đỗ Văn Hồng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty PVC.KBC.

Trong số 5 người bị khởi tố, hai nhân vật từng nắm vị trí quan trọng nhất của nhà máy xơ sợi Đình Vũ cũng đã bị khởi tố. Đó là Trần Trung Chí Hiếu, nguyên Chủ tịch HĐQT PVTex; Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc PVTex.

Trần Trung Chí Hiếu sinh năm 1963, là tiến sĩ Kinh tế. Tháng 4/2008, ông Hiếu là Ủy viên HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán Dầu khí. Ở vị trí này không lâu, tháng 12/2008 ông Hiếu được Đại hội đồng cổ đông PVTex bầu vào chức vụ chủ tịch HĐQT công ty, thay ông Nguyễn Minh Đạo.

Đây là thời điểm dự án xây dựng nhà máy xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng bắt đầu được triển khai thực hiện.

 Dù đã khởi động hoạt động trở lại nhưng Pvtex vẫn gặp rất nhiều khó khăn (ảnh PVTex)

Ông Hiếu được giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Bí thư Đảng uỷ, chịu trách nhiệm về các vấn đề triển khai xây dựng nhà máy xơ sợi Đình Vũ.

Còn Vũ Đình Duy, trước khi có lệnh khởi tố của cơ quan điều tra, đã “trốn đi nước ngoài chữa bệnh” và bặt tăm từ đó đến nay.

Ngày 31/5, Vũ Đình Duy bị ra quyết định truy nã về tội “cố ý làm trái... ” và “nhận hối lộ”.

Mới đây, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa kết luận điều tra vụ án “Cố ý làm trái... ” và “Đưa - Nhận hối lộ” xảy ra tại Cty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) và Cty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc (PVC.KBC).

PVtex giờ ra sao?

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, sau gần 31 tháng phải dừng sản xuất, đến 10/4/2018, Dự án nhà máy xơ sợi polyeste Đình Vũ đã khởi động lại được một phần với việc vận hành lại 3 dây chuyền của Phân xưởng sợi Filament.

Kết quả vận hành ban đầu cho thấy máy móc hoạt động ổn định, chất lượng sản phẩm tốt (đạt 99,25% chất lượng), đảm bảo tiêu chuẩn yêu cầu của khách hàng.

Đến 31/5/2018, nhà máy đã tiêu thụ được 67 tấn sản phẩm. Dự kiến đến tháng 12 năm 2018, nhà máy sẽ chạy đủ 29 dây chuyền của phân xưởng kéo sợi.

Ngoài ra, ngày 27/4/2018, PVTex đã ký kết Biên bản ghi nhớ về Hợp tác sản xuất kinh doanh và vận hành Nhà máy với liên doanh Tập đoàn An Phát và các đối tác nước ngoài với mục tiêu sẽ ký kết Hợp đồng hợp tác trong tháng 7/2018 làm cơ sở điều động chuyên gia nước ngoài, cấp kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa nhằm đưa Nhà máy vận hành lại hoàn toàn vào tháng 12/2018.

Nhưng, hiện tại, dự án vẫn đang vướng phải tranh chấp hợp đồng với các nhà thầu. Do các bên không dàn xếp được nên đã có quyết định đưa ra giải quyết tại Tòa án Trọng tài quốc tế vào tháng 11/2018.

 

Link nội dung: https://haiphong24h.org/vung-lay-7000-ty-dong-loat-sep-lon-bi-khoi-to-bat-giam-truy-na-a104821.html