Thủ tướng: Chúng ta đang có một bộ phận cán bộ "có cũng được, không có cũng được"

\"Chúng ta không thể dung túng cho sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không cần nỗ lực của cán bộ. Cần một cơ chế đánh giá cán bộ tốt hơn, công bằng hơn\", Thủ tướng nói.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Chinhphu.vn

Cán bộ mà cứ ôm vào mình những quyền lợi không chính đáng

Phát biểu bế mạc tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vào chiều 2/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nêu bốn nguyên nhân dẫn đến sự đình trệ của đất nước.

Theo Thủ tướng, chúng ta chưa tuân thủ đúng tinh thần kinh tế thị trường định hướng XHCN trong nhiều năm qua; kỷ cương, phép nước không thực hiện nghiêm túc; tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm xảy ra trầm trọng, kéo dài; bệnh quan liêu, xa dân trong nhiều vấn đề, nhiều chủ trương, chính sách nên việc huy động sức dân phát triển đất nước còn hạn chế.

"Các ngành chính sách phải suy nghĩ để khắc phục các nguyên nhân này, để nước ta phát triển tốt hơn, nhanh hơn", Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục hủy bỏ những điều kiện kinh doanh vô lý, không cần thiết với tiến độ nhanh hơn, phát hiện và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện các điều kiện kinh doanh mới nằm núp bóng ở thể chế, chính sách, pháp luật mới ban hành, nhất là từ cấp Bộ.

"Nền kinh tế cần lấy mục tiêu hiệu quả làm đầu, cả doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân phải rất chú ý đến điều này", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng cho rằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam phải được cải thiện mạnh hơn nữa hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước, nhờ sự trợ giúp của công nghệ thông tin, với nguyên tắc bình đẳng, an toàn, minh bạch, giảm chi phí.

Thủ tướng sau đó đã phê bình việc "cán bộ mà cứ ôm vào mình những quyền lợi không chính đáng", quan niệm "cái gì cũng phải gặp tôi" và cho rằng các thủ tục, các chuyên viên có liên quan phải cải cách mạnh mẽ hơn...

 Quang cảnh hội nghị.

"Đang xuất hiện một sức ì ngày càng lớn, cản trở mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo và cho rằng, không thể để tình trạng "không làm cũng không sao", "làm không tốt cũng không sao".

"Chúng ta không thể dung túng cho sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không cần nỗ lực của cán bộ. Cần một cơ chế đánh giá cán bộ tốt hơn, công bằng hơn", Thủ tướng nêu.

Theo Thủ tướng, trong bộ máy chính quyền của chúng ta đang có một bộ phận cán bộ "có cũng được, không có cũng được".

"Số cán bộ này chiếm bao nhiêu phần trăm trong từng cơ quan? Đây là câu hỏi mà các Bộ trưởng, các Bí thư, các Chủ tịch tỉnh phải tự hỏi về sự thờ ơ của những người cán bộ, đảng viên đối với phong trào cách mạng và đối với sự phát triển của đất nước", Thủ tướng nhìn nhận.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, hai năm gần đây, môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện nhưng mức độ quyết liệt, cải cách thực chất chưa đồng đều giữa các Bộ, ngành, địa phương.

Thêm vào đó, tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", tình trạng chia lẻ các quyền lực khác nhau vẫn còn phổ biến, sức ì của cải cách đã xuất hiện và ngày càng lớn.

Nhắc về một số vụ việc gần đây xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sức ì, trách nhiệm này cho thấy chúng ta chưa làm đến nơi đến chốn.

"Cứ ngại trách nhiệm, cứ sợ trách nhiệm, cứ né tránh trách nhiệm... thì làm sao xã hội phát triển được, trong khi quyền lực đó, trách nhiệm đó thuộc về các đồng chí - những người thực thi", Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc cải cách "đừng làm hình thức, đừng chỉ hô khẩu hiệu mà phải đi vào thực chất, tạo niềm tin trong nhân dân, doanh nghiệp".

Vụ gây rối ở Bình Thuận do người dân chưa hiểu nên phản đối

Nhắc lại vụ việc gây rối vừa qua xảy ra ở Bình Thuận và một số nơi, Thủ tướng cho rằng, do người dân chưa hiểu nên phản đối. Vì vậy, cần tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu một cách chủ động về các chủ trương, chính sách. Đấu tranh phản bác thông tin sai sự thật, nhất là những tin đồn, bịa đặt, vu khống rất nguy hiểm.

Theo Thủ tướng, mọi chủ trương đường lối nếu không tuyên truyền tốt sẽ phản tác dụng, những cuộc chống đối vừa qua thể hiện điều đó.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đến việc xử lý đúng pháp luật, không để tình trạng phá hoại tài sản, bắt người thi hành công vụ.

Nói về tình hình xã hội, Thủ tướng lưu ý Bí thư, Chủ tịch các địa phương cần quan tâm nhiều vấn đề bất an trong xã hội hiện nay.

"Tôi mong các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND xã, ban tuyên giáo… quan tâm vấn đề xã hội bất ổn. Kinh tế thị trường chứ không phải xã hội thị trường. Công dân toàn cầu nhưng phải giữ được văn hoá Việt Nam", Thủ tướng nói.

Trước đó, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận thừa nhận, sự việc xảy ra vừa qua là bài học lớn. Sau vụ gây rối, đến nay tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh đã ổn định.

Lãnh đạo tỉnh, công an đang tập trung chỉ đạo, củng cố các chứng cứ để xử lý nghiêm theo pháp luật các đối tượng cầm đầu, chủ mưu.

"Chúng tôi đã nghiêm túc rút kinh nghiệm. Tới đây, sẽ tăng cường thông tin truyền truyền đến người dân để nâng cao nhận thức, đề phòng cảnh giác trước âm mưu chống phá của thế lực thù địch, không để kẻ xấu lợi dụng lòng yêu nước xúi giục biểu tình", ông Hai cho hay.

Chủ tịch tỉnh Bình Thuận cam kết với Thủ tướng, dứt khoát không để phát sinh tình hình phức tạp xảy ra như vừa qua và sẽ tập trung thực hiện các công việc một cách quyết liệt, đồng bộ, triệt để, hết sức nghiêm túc, trách nhiệm trước dân.

Đặc biệt, chỉ đạo các ngành, các địa phương rà soát, giải quyết triệt để các khiếu nại, tố cáo, những vụ việc tồn đọng gây bức xúc trong nhân dân.

 

Link nội dung: https://haiphong24h.org/thu-tuong-chung-ta-dang-co-mot-bo-phan-can-bo-co-cung-duoc-khong-co-cung-duoc-a106686.html