Sáng nay, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai đề án tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (đề án 250).
Cán bộ pháp y bị người phạm tội tâm thần đập chết
Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho biết, đề án này được ban hành nhằm tiếp tục đổi mới và tạo chuyển biến căn bản, đột phá về chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng trong thời gian tới, đồng thời thúc đẩy xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp.
Ảnh: T.Hằng |
Đề án đã xác định rõ 7 mục tiêu cụ thể, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống tổ chức pháp y tâm thần theo hướng chú trọng yếu tố trọng điểm, khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng; đào tạo nguồn nhân lực pháp y, pháp y tâm thần đảm bảo đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng chuyên môn và kiến thức pháp lý…
Nói về công tác giám định tâm thần, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến kể, thời gian gần đây, báo chí nêu có những vụ khống chế cán bộ y tế trong cơ sở giám định tâm thần.
“Thậm chí có những cán bộ pháp y đã bị người phạm tội đập chết ngay trong trung tâm. Đấy là những trường hợp rất thương tâm”, Thứ trưởng Y tế kể.
Theo ông Tiến, chẩn đoán một số bệnh lý dù có khó khăn nhưng làm nhanh được. Còn đối với các đối tượng tâm thần có khi giữ cả tháng vẫn không kết luận chính xác được. Chính vì thế có nhiều vụ án phải lật đi lật lại. Thậm chí có những vụ án khi thụ án chưa tâm thần nhưng vào trại rồi thì tâm thần thật sự do bị sang chấn, stress…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến. Ảnh: T.Hằng |
Cho rằng lĩnh vực này vô cùng khó khăn để thu hút nhân lực vào, Bộ Y tế đề xuất trình Chính phủ ban hành quyết định về chế độ phụ cấp 24/24 cho giám định viên và người giúp việc trong lĩnh vực pháp y và nhiều ưu đãi khác để thu hút nguồn nhân lực.
Lỗi của giám định nên chấp nhận thua vụ Hàn Đức Long
Thiếu tướng Phạm Văn Các, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cũng chia sẻ đã từng làm điều tra viên nên đã nếm trải những điều mà Thứ trưởng Bộ Y tế nêu.
“Tôi chứng kiến nhiều dạng xác chết. Người chết trôi sông bao nhiêu ngày mới tìm thấy cần giám định để xem xét quá trình dẫn đến nguyên nhân chết của họ như thế nào; 2 anh em ruột bắt con gà dưới giếng thôi cũng chết; có những vụ giết người hàng loạt như vụ án ở Bình Phước. Các nhà điều tra, giám định giúp chúng tôi tìm ra hướng và đường đi của tội phạm”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát dẫn chứng.
Thiếu tướng Phạm Văn Các, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an |
Ông cũng kể lại việc đã từng đến BVTâm thần TƯ gặp bác sĩ, các nhà giám định để làm sao giám định bị can có tâm thần hay không, tâm thần ở dạng nào và nhìn nhận đây là một trong những vướng mắc mà cơ quan điều tra hay gặp phải.
Theo thiếu tướng Các, những vướng mắc này đã được đề án của Bộ Tư pháp giải quyết rất nhiều.
Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát chia sẻ thêm: “Không có gì thay đổi thì 1 tuần nữa chúng tôi sẽ từ bỏ nhiệm vụ, chức vụ Phó Tổng cục trưởng. Một là sẽ về quê, hai là xuống cục trưởng”.
Theo ông Các, Tổng cục Cảnh sát có rất nhiều cơ quan công tác liên quan đến việc giám định tư pháp. Trong đó, cơ quan chuyên trách là Viện Khoa học hình sự. Sau này (khi Tổng cục Cảnh sát giải thể theo đề án sắp xếp bộ máy của Bộ Công an bỏ cấp Tổng cục - PV), cơ quan này sẽ là cơ quan chủ quản của lực lượng CAND, các cơ quan điều tra hoạt động liên quan đến giám định tư pháp.
Phó Tổng Cục cảnh sát cũng nêu thực tế có rất nhiều vụ án vì vướng giám định tư pháp mà không kết luận được tội.
“Như vụ Hàn Đức Long ở Bắc Giang, Tôi đọc vụ án này từ lúc tôi làm trưởng phòng, tôi khẳng định đó là tội phạm nhưng do trục trặc, lỗi của giám định nên chúng ta không dám kết luận.
Không phải ngẫu nhiên 6 phiên toà, 6 ông thẩm phán lại xử người ta có tội đâu. Nhưng cuối cùng vì dư luận, vì việc nọ việc kia mà chúng ta chấp nhận thua vụ án này”, Trung tướng Phạm Văn Các nói.
Ông cho rằng: “Cả thực tiễn và lý luận, chúng tôi biết được vụ án là như vậy nhưng không làm được gì. Đây là bài học xương máu cho các cơ quan tố tụng".
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng lĩnh vực giám định tư pháp rất khó, nên không quan thì tâm rất khó hiệu quả. Có tội hay không có tội, trong dân sự bên nào thắng bên nào thua phải dựa vào giám định tư pháp. Vì vậy ông đề nghị các cơ quan quan tâm, chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh việc trưng cầu giám định.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/tuong-pham-van-cac-1-tuan-nua-toi-se-tu-bo-chuc-pho-tong-cuc-truong-a106958.html