Bộ LĐ-TB-XH vừa có hướng dẫn gửi các địa phương triển khai thí điểm đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp. Mức lương bình quân người lao động được nhận 15 - 20 triệu đồng/tháng.
Đối tượng tham gia chương trình này phải là người lao động sinh sống tại địa phương ký kết thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú đủ 12 tháng trở lên, độ tuổi từ 30 - 55.
Đặc biệt, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị cơ quan cấp tỉnh có biện pháp ưu tiên tuyển chọn người lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng.
Nhiều địa phương đã có công văn gửi Bộ LĐ-TB-XH xin triển khai chương trình lao động thời vụ này như Đồng Tháp, Đà Nẵng, Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ...
Nhiều nông dân Việt Nam xuất ngoại để đổi phận. Ảnh minh họa |
Trao đổi trên báo Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp, cho biết từ tháng 5 đến nay Đồng Tháp đã đưa 3 đợt lao động sang Hàn Quốc theo chương trình thu hoạch nông sản thời vụ năm 2018.
Dự kiến trong năm nay, tỉnh sẽ đưa 400 nông dân sang Hàn Quốc theo chương trình việc làm thời vụ.
Theo bà Tuyết, chương trình không đòi hỏi cao như các chương trình xuất khẩu lao động khác và chi phí thấp. Người lao động chỉ cần trình độ học vấn từ lớp 6 trở lên, không tốn phí, chỉ mất tiền vé máy bay khứ hồi, tiền khám sức khỏe, tổng cộng khoảng 18 triệu đồng. Tuy nhiên, người lao động được tỉnh hỗ trợ 4,7 triệu đồng, chỉ phải lo chi phí 12 triệu đồng. Nếu người lao động có hoàn cảnh khó khăn sẽ được tạo điều kiện vay tín chấp với lãi suất thấp.
“Công việc của các lao động là thu hoạch rau quả, hái ớt chuông, cà chua... Thu nhập sau 3 tháng làm việc khoảng 75 triệu đồng/người. Những người lao động đi đợt đầu từ tháng 5 đến nay sắp hết hạn hợp đồng, công việc rất thuận lợi và còn được chủ nông trại gia hạn hợp đồng thêm 3 tháng nữa”, bà Tuyết nói.
Hoạt động xuất khẩu nông dân Việt Nam thực ra đã có từ lâu. Chuyên gia nông nghiệp - GS.TS Võ Tòng Xuân từng tiết lộ với Đất Việt, nông dân Việt Nam rất giỏi, đã đi hơn 80 nước trên thế giới.
Cá nhân GS Xuân từ năm 2006 đã xây dựng chương trình đưa nông dân qua châu Phi. Vào thời điểm đó, ông hợp tác với Sierra Leone để giúp họ sản xuất lúa. Bởi nông dân Sierra Leone rất ít kinh nghiệm trồng lúa cao sản, hệ thống thuỷ lợi ở đây gần như không có gì và phương tiện làm đất như máy cày, máy xới lại càng không có nên cần phải dạy họ theo kiểu cầm tay chỉ việc.
Tháng 8/2006, 3 kỹ sư nông học sang Sierra Leone thử nghiệm 60 giống lúa cao sản dưới 100 ngày, chọn được 8 giống có năng suất 4,5 đến 5,2 tấn/ha (so địa phương chỉ đạt dưới 2 tấn/ha), và nhân ra được 3 tấn lúa giống. Hai kỹ sư thuỷ lợi cũng sang thiết kế hệ thống thuỷ nông hoàn chỉnh.
Sau đó, GS.TS Võ Tòng Xuân dự tính đưa nông dân Việt Nam sang để cùng nông dân Sierra Leone lo sản xuất, theo tỉ lệ 1 nông dân Việt Nam dạy nghề cho 4 nông dân Sierra Leone.
Dù kế hoạch là như vậy nhưng cuối cùng chỉ 1, 2 người đi được vì Nhà nước không lo được.
Cách đây chừng 4 năm, ông Nguyễn Văn Trọng, Bí thư Chi bộ ấp 9 (xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) cũng cho Đất Việt biết, ông được mời làm chuyên gia tư vấn, có nhiệm vụ tập hợp các nông dân sản xuất giỏi ở địa phương để sang Lào trồng lúa.
Theo chương trình hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp hai nước Việt - Lào, các nông dân ở ĐBSCL có kinh nghiệm sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn được mời sang Lào sản xuất lúa sạch và chuyển giao công nghệ cho nông dân nước bạn.
Tiêu chí lựa chọn là phải có tay nghề, cần cù, siêng năng, mặt khác cũng phải sẵn sàng "xuất ngoại".
"Nông dân Việt Nam qua Lào ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hầu hết các khâu như làm đất, sạ hàng, thu hoạch bằng máy..., tất cả các khâu đều cơ giới hóa 100%. Hiện diện tích lúa trong cánh đồng mẫu lớn do chúng tôi trồng đã được hơn 2 tháng, năng suất có thể đạt trên 4 tấn/ha", ông Trọng cho biết.
Thu nhập người nông dân khi xuất ngoại cao hơn hẳn ở nhà. Theo ông Trọng, Nông dân có tay nghề như biết lái máy cày, máy gặt thì lương 20 triệu đồng/tháng, còn nông dân bình thường cũng được trả công 6 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân 200.000 đồng/ngày, gấp 4 lần ở Việt Nam. chưa kể thu nhập ở nhà rất bấp bênh, được mùa có khi lại rớt giá, chi phí đầu vào tốn kém nên lời lãi chẳng bao nhiêu".
Link nội dung: https://haiphong24h.org/xuat-khau-nong-dan-viet-sang-han-kiem-25-trieuthang-a107107.html