Liên quan đến những lo ngại về ô nhiễm môi trường từ dự án nhà máy giấy và bột giấy của Tập đoàn Giấy Cửu Long (Trung Quốc) dự kiến triển khai tại Khu Công nghiệp (KCN) Nam Đình Vũ (Hải Phòng), ngày 9-7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo UBND TP Hải Phòng nói đây mới chỉ là khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư từ phía doanh nghiệp của Trung Quốc.
Vị trí đắc địa
Theo lãnh đạo TP Hải Phòng, chiều 5-7, tại cuộc làm việc với UBND TP Hải Phòng, bà Zhang Yin, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giấy Cửu Long, cho biết tập đoàn thành lập năm 1995, trụ sở tại Quảng Đông. Đây là tập đoàn sản xuất giấy đóng gói hiện đại dùng giấy phế liệu đạt tiêu chuẩn môi trường lớn nhất thế giới. Tập đoàn có 8 công ty trên thế giới, trong đó 1 công ty con tại Việt Nam là Công ty TNHH Xưởng giấy Chánh Dương tại KCN Bình Dương.
Tập đoàn mong muốn đầu tư khoảng 800 triệu USD cho dự án sản xuất giấy và bột giấy tại KCN Nam Đình Vũ, với công nghệ hiện đại nhất thế giới, theo tiêu chuẩn công nghiệp 4.0 của châu Âu. Hệ thống xử lý nước thải sử dụng công nghệ 5 bậc; hệ thống xử lý khí thải trang bị xây dựng lò hơi than cám...
Vị trí đắc địa của KCN Nam Đình Vũ - nơi Tập đoàn Giấy Cửu Long (Trung Quốc) muốn xây dựng nhà máy giấy. Ảnh: TRỌNG ĐỨC |
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho rằng Hải Phòng rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và đã từng đóng cửa một nhà máy sản xuất giấy vì không bảo đảm các điều kiện về môi trường. Bởi vậy, UBND TP Hải Phòng sẽ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án và sau khi đã bảo đảm các điều kiện theo quy định pháp luật Việt Nam thì TP Hải Phòng sẽ chỉ đạo các ngành liên quan và Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng thực hiện các thủ tục để doanh nghiệp triển khai dự án.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Tập đoàn Sao Đỏ Group (chủ đầu tư KCN Nam Đình Vũ) xác nhận Tập đoàn Giấy Cửu Long đã đến tận nơi khảo sát và nhận thấy KCN Nam Đình Vũ nằm ở vị trí "đắc địa" nên muốn đầu tư vào đây. KCN Nam Đình Vũ nằm khá xa khu dân cư, cách đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long 4 km (kết nối với đường cao tốc thông qua tuyến đường Tân Vũ - Lạch Huyện). Đây là KCN nằm ngay cửa ngõ giao thông quốc tế cảng Lạch Huyện, ra biển gần nhất so với các KCN khác cùng khu vực.
Khi được hỏi về vấn đề dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường, vị lãnh đạo này cho hay "Mỹ, Phần Lan còn thu hút đầu tư từ tập đoàn này nói gì đến Việt Nam". "Về cảm quan, ngành giấy có thể có nguy cơ gây ô nhiễm nhưng thực chất ngành nào cũng có nguy cơ ô nhiễm cả, quan trọng ở đây là đầu tư công nghệ nào mà thôi. Nếu họ cam kết đầu tư công nghệ cao nhất của thế giới, tiêu chuẩn công nghiệp 4.0 của châu Âu thì không vấn đề gì" - lãnh đạo Tập đoàn Sao Đỏ Group nói.
Không cho thì không phát triển?
Ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), nêu kinh nghiệm thế giới thường đưa nhà máy giấy ra gần biển bởi ô nhiễm trên đất liền được đánh giá là nguy hiểm hơn. Do đó, việc dự án nhà máy giấy và bột giấy dự kiến triển khai tại KCN Nam Đình Vũ (Hải Phòng) cũng là một sự lựa chọn không trái ngược với thông lệ quốc tế.
"Vấn đề ở đây không phải là không cho bất cứ dự án giấy nào được triển khai. Nếu cứ sợ ô nhiễm mà không cho thì không làm được gì cả, không phát triển được. Điều quan trọng là phải yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ quy định về quy trình xử lý ô nhiễm" - ông Dũng nêu quan điểm.
Theo ông Dũng, nếu làm đúng theo công nghệ tiên tiến hiện nay thì xút trong sản xuất giấy, dệt may hay nhiều ngành công nghiệp nhẹ khác sẽ được thu hồi gần hết, không xả thải gây ô nhiễm sông, biển. Do đó, cần làm rõ nhà đầu tư sẽ sử dụng công nghệ gì, đến từ quốc gia nào và phải yêu cầu chủ đầu tư giải trình, thuyết minh một cách thuyết phục.
"Phải yêu cầu nhà đầu tư làm đúng theo yêu cầu xả thải của nước ta. Ví dụ như Formosa, sau khi phát hiện vi phạm, phải thực hiện các yêu cầu về bảo đảm môi trường và họ đã làm được. Hay như dự án giấy Lee & Man cũng buộc phải thực hiện nhiều nội dung về môi trường sau khi để xảy ra nhiều chuyện lùm xùm. Giờ yêu cầu bảo đảm môi trường và nếu chủ đầu tư làm được thì sẽ cho triển khai dự án" - ông Dũng nói.
Chưa nhận được thông tin Về dự án này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng ông chưa được tiếp cận báo cáo nào liên quan đến dự án nhà máy giấy và bột giấy dự kiến đặt ở KCN Nam Đình Vũ (Hải Phòng). "Dự án mới ở giai đoạn dự định triển khai. Theo quy trình, nếu chủ đầu tư có gửi báo cáo thì sẽ gửi đến văn phòng một cửa, sau đó gửi lên Tổng cục Môi trường và khi đến lãnh đạo bộ thì tới giai đoạn lập hội đồng kiểm định vấn đề môi trường của dự án. Chưa rõ chủ đầu tư đã báo cáo hoặc triển khai công việc đến cấp nào nhưng hiện nay lãnh đạo bộ chưa nhận được thông tin" - ông Nhân nói. |
Link nội dung: https://haiphong24h.org/hai-phong-ruoc-sat-thu-ve-song-chung-kho-cuong-voi-von-dau-tu-800-trieu-usd-a107398.html