Cần cẩn trọng khi lựa chọn phương pháp lột da làm đẹp (Ảnh minh họa) |
Đen nhẻm, viêm nang lông sau lột da
Đến thăm khám tại BV Da liễu T.Ư, em Nguyễn Hồng M. (20 tuổi, trú tại Đáp Cầu, Gia Lâm, Hà Nội) bịt kín mặt bằng chiếc khẩu trang lớn, tuy nhiên cũng không che hết được những đốm mụn có mủ, sần sùi khắp 2 bên má, lan dọc thái dương. Theo chia sẻ của M., đây là hậu quả 3 lần lột da mặt mà M. thực hiện liên tiếp trong tuần tại một cơ sở spa gần nhà. “Trước đây, dù làn da không trắng nhưng da mặt em gần như không xuất hiện mụn. Nghe lột da giúp làm trắng nhưng ai dè “lợn lành hóa lợn què”. Sau lần đầu lột, em thấy da trắng sáng hơn nên 2 ngày sau đó quyết định lột thêm lần nữa. Nhưng chỉ vài ngày sau làn da bắt đầu lốm đốm, sần sùi, nổi mụn li ti. Khổ nỗi càng chữa lại càng dày đặc hơn nên buộc phải đi thăm khám tại bệnh viện”, M. giãi bày và cho biết, tại bệnh viện, sau thăm khám, M. được các bác sĩ chẩn đoán da nhiễm khuẩn, viêm nang lông cần điều trị ngay.
"Nếu chị em muốn thực hiện lột da nên tìm đến các bác sĩ có trình độ thẩm mỹ nội khoa để có được kết quả như mong muốn. Không nên mạo hiểm tìm đến những cơ sở không uy tín có sử dụng kem lột làm trắng chứa chất corticoid rất độc hại cho da với những biến chứng nặng nề như: Viêm da kích ứng, nhiễm trùng thứ phát lan rộng, nám lan rộng và sâu khó chữa, teo da, lão hóa da khó hồi phục, giãn mạch gây đỏ da…”. BS. Phạm Cao Khiêm |
Không viêm da như M., nhưng chị Trần Thanh H. lại xuất hiện những vết sạm ngày một sẫm màu sau nhiều lần lột da mặt với mục đích làm trắng da. Theo chị H., ban đầu khi mới lột da mặt trắng hơn. Thấy hiệu quả, chị thường xuyên thực hiện, không ngờ lại rước họa vào thân…
Theo BS. Lê Anh Tuấn, Khoa Da liễu, BV T.Ư Quân đội 108, lột da mặt cần được thực hiện theo quy trình bài bản bởi các bác sĩ có chuyên môn, không phải ai cũng có thể làm. Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam, phương pháp này được thực hiện tràn lan, người làm thậm chí chỉ dựa trên kinh nghiệm truyền miệng nên đã để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc cho người mong muốn được làm đẹp. Hơn nữa, qua tìm hiểu hiện trên thị trường đang lưu hành sản phẩm lột da nguồn gốc Trung Quốc. Với sản phẩm này nếu chỉ bôi trên diện tích nhỏ thì khá an toàn nhưng nếu dùng trên 30% diện tích cơ thể lại có nguy cơ gây ngộ độc cho hệ tim mạch, thần kinh, khiến tim đập nhanh, hạ huyết áp, chóng mặt, buồn nôn… thậm chí, nguy hiểm tính mạng.
Lột da làm trắng, ai làm cũng được?
Chia sẻ về phương pháp lột da, BS. Lê Anh Tuấn cho biết: Đây là một phương pháp y học với nhiều cấp độ lột da nông, vừa và sâu, phụ thuộc vào nồng độ axit và thời gian tồn tại của axit trên da bệnh nhân. Vì vậy, không đơn giản là bôi rồi lột da mà cần được thực hiện theo quy trình bài bản bởi bác sĩ chuyên khoa.
Về nguyên lý, khi lột da, hóa chất axit sẽ kích thích yếu tố tăng trưởng trong da, tác động tăng tái tạo colagen tốt hơn. Sau lột, lớp da phía trên thường đen hơn, bong đi sẽ lộ lớp da mới, non hơn, trắng hơn… Tuy nhiên, lớp da này sau đó cũng sẽ tạo hạt sắc tố, chống tia cực tím và da sẽ lại tiếp tục sạm đi. Do vậy, sau khi lột da, cần phải chăm sóc dưỡng ẩm, chống nắng tốt mới giữ được hiệu quả.
Đáng chú ý, không phải ai cũng được khuyến cáo thực hiện phương pháp lột da này. Bởi thông thường, chỉ với bệnh nhân có da lão hóa, sắc tố tàn nhang, trứng cá, sẹo lỗ do trứng cá… mới được chỉ định thực hiện. Lột da giúp hết tàn nhang, cải thiện dị tật sắc tố hiệu quả khi kết hợp thêm những biện pháp khác. “Với làn da khỏe có thể lột nhẹ nhàng sẽ không gây tổn thương, nhưng không nên thực hiện bởi mức độ lột nông hay sâu rất khó xác định với người không có chuyên môn. Những trường hợp lột vừa và sâu không đúng quy trình và không theo chỉ định thì rất dễ đối mặt nguy cơ nhiễm khuẩn, virus herpes, viêm nang lông, viêm da tiếp xúc”, BS. Lê Tuấn khuyến cáo.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/lam-dung-lot-da-mat-lam-trang-can-than-ruoc-hoa-a107937.html