Trận chung kết World Cup 2018 đã diễn ra đầy kịch tính và VAR - trợ lý trọng tài qua video - một lần nữa lại trở thành tâm điểm gây tranh cãi. Khi tỷ số đang là 1-1, cầu thủ Ivan Perisic của Croatia để bóng chạm tay khi nhảy lên đánh đầu. Ban đầu, trọng tài Nestor Pitana bỏ qua nhưng khi các cầu thủ Pháp phản ứng, ông đã chạy ra tham khảo công nghệ VAR và cuối cùng quyết định phạt đền với Croatia.
Quyết định trên đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử World Cup, VAR được sử dụng để tác động tới một bàn thắng trong trận chung kết. "Tình huống đó là bước ngoặt. Nó giết chết chúng tôi. Croatia không thể trở lại được nữa", Quả bóng vàng Luka Modric nói.
Ảnh chế công nghệ VAR được phong danh hiệu cầu thủ xuất sắc tại World Cup. |
Sự góp mặt của những công nghệ như VAR hứa hẹn mang đến sự công bằng, minh bạch hơn trong bóng đá hiện đại, nhưng cũng làm thay đổi cách người hâm mộ thưởng thức bóng đá, thậm chí có ý kiến cho rằng nó bóp chết cảm xúc.
Tuy nhiên, theo Reuters, FIFA tuyên bố việc sử dụng VAR tại World Cup "là một thành công".
Dù mới chỉ lần đầu áp dụng tại một kỳ bóng đá thế giới, VAR đã thường xuyên trở thành tâm điểm. Trong trận cầu giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, pha ghi bàn của Diego Costa trở thành bàn thắng đầu tiên trong lịch sử World Cup được công nhận dưới sự trợ giúp của VAR. Ngay trước tình huống ghi bàn, anh này có vẻ như đã phạm lỗi với trung vệ bên phía đối thủ là Pepe nhưng sau khi tham khảo VAR, trọng tài quyết định công nhận bàn thắng.
Nhờ VAR, màn vờ lăn lộn, đau đớn của cầu thủ Neymar (Brazil) đã thất bại hay khiến Ronaldo (Bồ Đào Nha) trải qua những giây phút sợ hãi sau khi dùng cùi chỏ đánh vào mặt cầu thủ bên phía Iran và bị VAR phát hiện.
VAR về bản chất là công nghệ hỗ trợ trọng tài ra quyết định trên sân bóng chứ không thay thế được các vị vua sân cỏ. FIFA cho biết mọi quyết định của trận đấu vẫn do trọng tài chính trên sân quyết định. Tổ trọng tài từ xa theo dõi qua camera VAR chỉ hỗ trợ, thông báo khi thấy các lỗi bị bỏ sót hay tình huống xử lý bị sai lầm. Trọng tài chính trên sân sẽ được hệ thống VAR thông báo từ xa thông qua tai nghe và có thể lựa chọn xem lại tình huống bằng một màn hình riêng bên ngoài đường biên.
Theo thống kê của SkySports, với sự hiện diện của VAR, giải đấu tổ chức tại Nga là mùa World Cup đạt kỷ lục về penalty cũng như có tỷ lệ ghi bàn cao nhất từ các tình huống cố định. Cụ thể, có tổng cộng 22 quả penalty được thực hiện trong 64 trận đấu, trong khi kỷ lục trước đó chỉ là 18 trong các năm 1990, 1998 và 2002.
Số bàn thắng được ghi từ chấm phạt đền tại World Cup 2018 cao hơn hẳn các kỳ trước. Nguồn: Finder |
Dù vậy, việc sử dụng VAR cũng thường làm kéo dài thời gian "chết" giữa trận đấu, tăng số phút bù giờ. FIFA cũng thậm chí có một số quy định về thời lượng ăn mừng bàn thắng trong trận đấu phòng trường hợp mất nhiều thời gian để trọng tài cần đến sự hỗ trợ của VAR.
Trong tình huống bóng chạm tay ở trận chung kết ngày 15/7, trọng tài đứng khá lâu xem đi xem lại nhiều lần trước khi ra quyết định. "Tôi đã luôn ấn tượng với VAR trong suốt giải đấu, nhưng trong trận Pháp - Croatia, hệ thống này hoàn toàn thất bại", biên tập viên của Telegraph nhận xét.
Nhiều người dùng Twitter cũng nhắc lại pha làm bàn bằng tay của Maradona trong trận tứ kết World Cup 1986. Họ nêu giả thuyết nếu có VAR, bàn thắng đó đã không được công nhận, như một ví dụ cho thấy những tình huống tranh cãi, gay cấn, những quyết định "tự nhiên" của trọng tài mới tạo nên sự hấp dẫn, kịch tính của bóng đá, thay vì để cho công nghệ can thiệp.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/world-cup-2018-giai-dau-ghi-dam-dau-an-cua-cong-nghe-a107955.html