Trường Chu Văn An tại TP Đồng Hới, Quảng Bình
Không báo trước 5 năm, phải nộp tiền mới được nghỉ việc
Mặc dù đã nghỉ việc sau 1 năm công tác tại trường Chu Văn An,nhưng đến nay, cô Bùi Thị Hà My (giáo viên dạy môn Văn tại Trường THCS Chu Văn An (thuộc hệ thống giáo dục Chu Văn An), từ tháng 3-2017 đến tháng 4-2018) vẫn chưa nhận được bằng gốc đại học do bị nhà trường giữ.
Trước khi vào giảng dạy tại đây, cô My đã ký một bản hợp đồng lao động (HĐLĐ) với nhà trường trong đó có nội dung giáo viên muốn nghỉ việc phải báo trước 60 tháng (5 năm).
Nếu không báo trước, giáo viên phải nộp phạt cho trường khoản tiền bằng 12 tháng lương cao nhất, trả lại luôn cho trường toàn bộ số tiền bảo hiểm mà trường đã đóng cho giáo viên đó trong thời gian làm việc.
Khi vào làm việc, trường còn giữ luôn bằng tốt nghiệp đại học gốc. Nếu không thực hiện việc báo trước hoặc đền tiền như yêu cầu của nhà trường thì giáo viên sẽ bị giữ luôn bằng gốc đến khi nộp đủ mới được lấy ra.
Theo tính toán, tổng số tiền cô My phải nộp nếu muốn nghỉ việc là hơn 60 triệu đồng.
"Tôi thấy quá vô lý, vì số tiền mà trường bắt nộp phạt nhiều hơn tổng số tiền mà nhà trường trả cho thời gian tôi dạy tại đây. Một năm qua coi như làm không công, gia đình tôi cũng không khá giả gì nên chưa “xoay” được tiền để nộp”, cô My cho biết.
Không chỉ có cô My, hiện nay toàn bộ hơn 100 giáo viên, nhân viên đang làm việc trong trường đều có HĐLĐ với những điều khoản như trên.
Cô Phan Thị Quỳnh Thi ký HĐLĐ tương tự vào dạy môn tiếng Anh ở trường này từ tháng 8-2017, không có thời gian thử việc. Khoảng ba tháng sau, cô này xin được chấm dứt HĐLĐ cũng nhận được câu trả lời như trường hợp cô My.
Không có tiền nộp phạt, cô Thi vẫn để lại bằng gốc ở trường. Hiện cô Thi phải nhờ người quen xin vào làm ở một trung tâm ngoại ngữ nhỏ tại TP Huế để mưu sinh.
"Khi ký HĐLĐ vào làm việc, tôi cũng không rành về Bộ luật lao động nên nghĩ đó là quy định chung. Đến khi xin nghỉ việc mới "tá hỏa" là những quy định trong hợp đồng này có quá nhiều chỗ trái Bộ luật lao động" - cô Thi bức xúc.
Muốn giáo viên có trách nhiệm và gắn bó với trường
Bà Đặng Thị Trà, Chủ tịch hội đồng trường hệ thống giáo dục Chu Văn An xác nhận có HĐLĐ nói trên.
Cũng theo bà Trà, trước đây nhà trường chỉ có quy định nghỉ việc báo trước 45 ngày, tuy nhiên sau khi vào giảng dạy tại trường, có những trường hợp phải đào tạo giáo viên cả năm trời nhưng nhiều giáo viên vừa dạy vẫn vừa đi thi viên chức nơi khác. Chỉ cần đậu là bỏ ngang nên nhà trường không tìm được giáo viên thay thế.
“Từ đầu năm học 2016, nhà trường đã tăng thời gian báo trước từ 1 lên đến 5 năm. Trước cô Hà My cũng có nhiều trường hợp xin nghỉ việc trước thời hạn, tuy nhiên họ vẫn công tác đến khi nhà trường tìm được người thay thế.
Khi có người mới họ vẫn nghỉ bình thường và không cần đền bù khoản nào. Còn cô My vì cô muốn nghỉ luôn nên nhà trường mới yêu cầu xử lý theo HĐLĐ đã ký”, bà Trà nói.
Bà Trà cũng khẳng định, từ khi ra quy định đó đến nay chưa có giáo viên nào phải bỏ tiền để lấy bằng ra.
“Còn về trường hợp cô Thi, cô là giáo viên dạy tiếng Anh nhưng bị hiệu phó phụ trách chuyên môn đánh giá là không đủ năng lực, khi nghe thông tin có đề xuất lên Ban giám hiệu chuẩn bị cắt hợp đồng thì cô đã bỏ ngang để đi Huế, nhà trường mời về làm việc nhưng chưa được”, bà Trà cho biết thêm.
Theo bà Trà, lý do nhà trường đặt ra những quy định này trong HĐLĐ chỉ để giáo viên có trách nhiệm và gắn bó với trường, kể cả việc đền tiền.
Trao đổi với VietNam Net, luật gia Phan Thúc Định, hãng luật Giải Phóng, thuộc đoàn luật sư TP.HCM cho biết, thỏa thuận này bị vô hiệu vì trái quy định của pháp luật.
Vì theo Luật lao động, giáo viên được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ và chỉ cần báo trước 45 ngày chứ không phải chờ đến 5 năm. Việc trường giữ bằng gốc và bắt đền tiền cũng không đúng khi giáo viên chỉ cần nộp bản sao bằng tốt nghiệp và bồi thường nửa tháng tiền lương khi có báo trước đủ thời gian đó.
Vì HĐLĐ là thỏa thuận giữa 2 bên nên cũng liên quan đến Bộ luật dân sự, tuy nhiên thỏa thuận phải nằm trong phạm vi quy định của pháp luật và không vượt quá giới hạn quy định của pháp luật.
Có những sự việc có sự chồng chéo giữa 2 luật với nhau nên phải áp dụng luật chuyên ngành, trong trường hợp này phải áo dụng Bộ luật lao động.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/co-giao-phai-den-bu-60-trieu-vi-nghi-viec-khong-bao-truoc-5-nam-a107998.html