Nhà máy không nằm trong quy hoạch chất thải rắn của Hải Phòng |
Tự dùng 5.900m2 đất, vẫn “nhất trí” cấp phép
Như PLVN đã thông tin đưa, ngày 25/6/2015, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cấp giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại (CTNH) cho Cty Toàn Thắng. Theo đó, doanh nghiệp được vận chuyển và xử lý CTNH cho các chủ nguồn thải; được phép sử dụng vận hành các phương tiện, thiết bị chuyên dụng; được phép vận chuyển và xử lý rác thải nguy hại. Giấy phép trên có hiệu lực đến ngày 25/6/2018 (đến nay đã hết hạn gần 1 tháng).
Để thẩm định, xem xét việc cấp lại giấy phép nói trên, theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ TN&MT về quản lý CTNH, ngày 6/4/2018, Tổng cục Môi trường đã có Công văn số 76/TCMT-QLCT&CTMT tham khảo ý kiến của Sở TN&MT TP Hải Phòng.
Ngày 3/5/2018, Giám đốc Sở TN&MT Phạm Quốc Ka đã ký Văn bản số 1649/STNMT-CCBVMT với nội dung: nhất trí việc cấp phép cho doanh nghiệp, trong đó bổ sung 01 kho đá lạnh lưu giữ chất thải y tế và một số phương tiện vận chuyển CTNH.
Để có được sự “nhất trí” nói trên, Sở TN&MT đã “nghiên cứu Giấy phép hành nghề xử lý CTNH mã số 1-2-3-4.073.VX đã được cấp và quá trình theo dõi việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Cty Toàn Thắng”. Nói cách khác, Sở TN&MT đã cho rằng Cty Toàn Thắng đã chấp hành tốt pháp luật về bảo vệ môi trường!
Điều này hoàn toàn trái ngược với Quyết định số 05/QĐ-XPHC đã được chính Thanh tra Sở này ban hành ngày 29/3/2016 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản đối với Cty Toàn Thắng. Vi phạm cụ thể: doanh nghiệp tự sử dụng 5.900m2 đất khi chưa được UBND TP cho thuê và có hoạt động khai đào đá vôi trái phép, sát khuôn viên nhà máy tại khu vực núi Thần Vi, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, mức xử phạt 12 triệu đồng.
“Nhầm lẫn” vô tình hay hữu ý?
Cùng với đó, tại Văn bản số 1649/STNMT-CCBVMT, Sở TN&MT cũng khẳng định rằng: "Dự án Nhà máy xử lý chất thải của Cty Toàn Thắng tại phía Tây Bắc núi Thần Vi, thị trấn Minh Đức được UBND TP Hải Phòng cho phép tồn tại và bổ sung vào quy hoạch xử lý chất thải nguy hại của TP tại Công văn số 8014/UB-MT ngày 22/10/2014 nhưng cho đến nay Nhà máy xử lý chất thải vẫn chưa được bổ sung vào quy hoạch theo đúng yêu cầu tại văn bản trên".
Trở lại Văn bản số 8014 nói trên, có thể thấy, đây là văn bản thể hiện ý kiến của TP Hải Phòng khi xét đề nghị của Sở TN&MT tại Văn bản 1961/STN&MT-QLTNĐ ngày 16/10/2014 về dự án mở rộng, đầu tư các hạng mục lưu giữ, xử lý chất thải cho Nhà máy xử lý chất thải của Cty Toàn Thắng. Nội dung văn bản thể hiện rõ: "UBND TP Hải Phòng đồng ý chủ trương việc tồn tại nhà máy xử lý chất thải của Cty Toàn Thắng tại địa điểm trên (núi Hang Ốc, thị trấn Minh Đức-PV)". Tuy nhiên, văn bản này không hề nhắc đến việc bổ sung nhà máy nói trên vào quy hoạch xử lý chất thải nguy hại của TP Hải Phòng.
Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, khẳng định tại Văn bản số 1649 của Sở TN&MT không hoàn toàn chuẩn xác. Đây là một sự “nhầm lẫn” vô tình hay hữu ý?
Không chỉ vậy, trước khi ban hành Công văn số 1961/STNMT-QLTNĐ ngày 16/10/2014 nói trên, Sở TN&MT đã không lấy ý kiến tham vấn của Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan về địa điểm thực hiện dự án như: Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Chỉ huy quân sự TP… Trong khi, trên thực tế địa điểm này có khá nhiều "vấn đề" khúc mắc như đã phản ánh ở trong các số báo trước.
Do đó, sau khi xem xét lại, ngày 29/1/2016, Sở TN&MT đã có công văn số 229/STNMT-KS đề xuất phương án di dời nhà máy nói trên đến địa điểm hợp quy hoạch. Đề xuất này được UBND TP Hải Phòng chấp thuận tại hàng loạt văn bản từ năm 2016 đến nay: Công văn số 785/VP-KS ngày 17/2/2016, Văn bản số 5202/UBND-MT ngày 21/8/2017, Văn bản số 5732/UBND-MT ngày 7/9/2017, Văn bản số 8413/UBND-MT ngày 23/11/2017…
Trong khi chờ UBND TP Hải Phòng cùng các sở, ngành chức năng điều chỉnh bổ sung Nhà máy xử lý chất thải vào quy hoạch hoặc di dời nhà máy đến địa điểm mới phù hợp với quy hoạch, hàng loạt lý do đã được Sở TN&MT đưa ra để đề nghị Tổng cục Môi trường xem xét cấp lại Giấy phép xử lý CTNH cho Cty Toàn Thắng như: giải quyết vấn đề cấp bách về xử lý chất thải trên địa bàn, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường cho các khu vực nhà máy, dân cư lân cận; tránh thiệt hại về kinh tế và các vấn đề xấu liên quan đến doanh nghiệp.
Như vậy, việc cho phép Nhà máy xử lý CTNH của Cty Toàn Thắng tồn tại tại thị trấn Minh Đức có thể chỉ là giải pháp tạm thời trong khi chờ Hải Phòng "chốt" phương án cuối cùng. Hiện, việc bổ sung nhà máy này vào quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP Hải Phòng đến năm 2025 vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ...
Link nội dung: https://haiphong24h.org/de-nghi-cap-lai-giay-phep-xu-ly-rac-thai-nguy-hai-cho-cty-toan-thang-he-lo-nhung-can-cu-ky-la-a108465.html