Cái Lân được đón tàu 69.000 DWT, Cảng Hải Phòng chờ đã

Bộ GTVT đã chấp thuận chủ trương cho phép Cảng Cái Lân (Quảng Ninh) được tiếp nhận làm hàng cho tàu chở container trọng tải đến 69.000 DWT giảm tải ra vào làm hàng, với kích thước phù hợp theo đề xuất của Cục Hàng hải.

 Hệ cẩu giàn này tại cảng Cái Lân dường như sẽ phải thay thế, để đầu tư hàng trăm tỷ đồng khác mua cần cẩu giàn phục vụ tàu container trọng tải tới 69.000 DWT?. Ảnh minh họa, nguồn: Báo Quảng Ninh

Theo đó, tàu chở container cỡ trọng tải tới 69.000 DWT được ra vào làm hàng tại cầu cảng số 2, 3, 4 tại cảng Cái Lân.
Để đảm bảo an toàn tiếp nhận các tàu cỡ trọng tải này, Bộ GTVT giao Cục Hàng hải Việt Nam hướng dẫn Công ty TNHH Cảng container Quốc tế Cái Lân thẩm định hồ sơ đánh giá kết cấu cầu cảng đã được kiểm định trước đó.

Sau khi hoàn thành thẩm định, Bộ GTVT tiếp tục giao Cục Hàng hải Việt Nam “sẽ quyết định việc cầu cảng số 2, 3, 4 - Bến cảng Cái Lân được tiếp nhận chính thức tàu chở container trọng tải đến 69.000 DWT giảm tải đồng thời chỉ cho phép tiếp nhận chính thức khi đáp ứng đủ các điều kiện đảm bảo an toàn kết cấu công trình, an toàn, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và ô nhiễm môi trường” – văn bản của Bộ “chốt”.

Thông tin từ Báo Đầu tư cho biết, cảng container quốc tế Cái Lân (cảng CICT) là cảng duy nhất tại miền Bắc có thể đón nhận tàu có sức chở từ 5.000 TEU trở lên.

Hiện, độ sâu trước bến của cảng CICT khi thủy triều bằng 0 là -13m. Với độ sâu này, cảng CICT đã được hai hãng tàu là Hyundai Merchant Marine (HMM) và Gold Star Line (ZIM) – hai hãng tàu đã hình thành tuyến hàng hải ACS, chọn là 1 trong những điểm trung chuyển trên tuyến.

Tuy nhiên, đây là thông tin khá… lạ.

Vì luồng hàng hải khu vực cảng Cái Lân không có đoạn nào đạt độ sâu tới -13m.

Cụ thể, theo công bố luồng hàng hải của Cảng vụ Quảng Ninh – cơ quan trực thuộc và đại diện cho Cục Hàng hải tại Quảng Ninh – độ sâu luồng hàng hải Hòn Gai - Cái Lân hoàn thành đo vào ngày 27/9/2017, tính đến mực nước "số 0 hải đồ", có chiều sâu -12,8m cho đoạn từ Hòn Bài đến Hòn Pháo.

Chiều sâu luồng này đoạn từ Hòn Pháo Ngoài đến Hòn Một là -12,1m, và đoạn từ Hòn Một đến hết bến số 2 cảng Cái Lân có độ sâu đạt -9,6m.

Thông báo này cũng lưu ý dải cạn tại khu vực giữa bến số 2 và số 3 cảng Cái Lân có độ sâu hạn chế từ -7,2m đến -9,5m nằm về phía bên phải luồng, khu vực rộng nhất lấn vào luồng khoảng 20m. Ngoài ra, độ sâu vũng quay tàu có độ sâu -9,5m.

Hiện, các tàu chở container trọng tải tới 70.000 DWT thế hệ mới có chiều chìm toàn tải vào khoảng từ 9 – 10m, tùy theo thiết kế.

Như vậy, chiều chìm của cỡ tàu này khá tương ứng với độ sâu luồng khu vực trước cảng Cái Lân.

Tuy nhiên, những thông tin giai đoạn xây dựng cảng Cái Lân (đầu những năm 2000) cho biết, nền trước bến của cảng này chủ yếu là đá cứng.

Thực tế, để xây dựng cảng Cái Lân, chủ đầu tư – khi ấy là BQL dự án 2 thuộc Cục Hàng hải – đã chấp nhận thanh toán khối lượng phá đá lên tới 160.000 m3. Dù sau này, khi tiến hành thanh tra cho thấy, khối lượng phá đá làm cảng này là vào khoảng 58.000 m3, nhưng thực tế này cho thấy đáy luồng và vũng quay tàu trước cảng Cái Lân đang “ngồi” trên nền đá cứng.

Đó đích xác là rủi ro rất lớn vào các tàu ra vào cảng này, đặc biệt là tàu cỡ lớn có chiều chìm gần bằng với chiều sâu luồng.

Mặt khác, được khánh thành vào năm 2003 với công bố là cảng nước sâu đầu tiên của miền Bắc, cảng Cái Lân khi đó công bố phục vụ được tàu tới… 40.000 DWT ra vào làm hàng. Trong nhiều năm, đoạn luồng ra vào cảng này được xác định không đủ độ sâu chuẩn tắc thiết kế. Trong hai năm gần đây, do các lình xình liên quan tới khai thác cát dưới danh nghĩa thanh thải luồng, phần lớn các luồng hàng hải quốc gia đều không được nạo vét.

Do đó, việc công bố luồng hàng hải vào cảng Cái Lân đạt từ -12,8m tới – 9,5m là thông tin khá lạ. Vì không rõ luồng đã sâu bằng cách nào ?

Cũng cần lưu ý, việc các hãng vận tải biển lớn đưa tàu tới 69.000 DWT vào cảng này cũng đã hàm nghĩa tuyến luồng đã được khảo sát, và cho kết quả đúng với thông báo luồng hàng hải.

Thông tin đáng lưu ý khác là điều kiện tự nhiên tại cảng Cái Lân khá rủi ro cho làm hàng container. Trong lịch sử từ năm 2003 đến nay của cảng này, đã hai lần xảy ra sự cố lốc xoáy, xô đổ 2 cần cẩu giàn trị giá hàng trăm tỷ đồng phục vụ làm hàng container tại đây.

Trong khi đó, để làm hàng cho tàu container tới cỡ trọng tải 69.000 DWT, hệ cần cẩu giàn tại cảng Cái Lân cần có chiều cao gần gấp đôi so với trước.

Trong một diễn biến khác, vài ngày trước, lãnh đạo Bộ GTVT đã có cuộc làm việc tại Hải Phòng với một trong các nội dung về phát triển cảng nước sâu.
Tại cuộc làm việc này, việc giao đất tại cảng Lạch Huyện cho Công ty CP Cảng Hải Phòng vẫn chưa “quyết” xong.
Trong khi doanh nghiệp này phải di dời, trả đất nội thành cho thành phố làm khu đô thị và trong khi luồng vào cảng Lạch Huyện được công bố sẽ đảm bảo cho tàu trọng tải tới 100.000 tấn ra vào làm hàng.
Nói cách khác, với lợi thế luồng và hạ tầng giao thông, việc trả đất cho Công ty CP Cảng Hải Phòng làm cảng nước sâu sẽ vẫn phải chờ, như doanh nghiệp này đã chờ từ vài năm.

 

Link nội dung: https://haiphong24h.org/cai-lan-duoc-don-tau-69000-dwt-cang-hai-phong-cho-da-a108779.html