Những tiêu cực trong kì thi THPT quốc gia 2018 đã tạo ra một “cơn địa chấn” trong ngành giáo dục. Việc điểm số bị “phù phép” bất ngờ tại Hà Giang và Sơn La khiến dư luận không khỏi băn khoăn trước 1 kì thi vốn cần phải thực sự trung thực và hiệu quả. Có thể thấy hệ quả đó đã gióng lên 1 hồi chuông báo động về những hệ lụy khôn lường của nền giáo dục nước nhà.
"Lỗ hổng" lớn ở phần mềm chấm thi. |
Như chúng ta được biết, quy trình chấm thi trắc nghiệm THPT quốc gia của bộ GD&ĐT thực hiện theo 4 bước. Bước 1: Quét bài trắc nghiệm, bài thi được đưa vào máy quét để quét và các ảnh quét được sẽ được tự động chuyển vào phần mềm chấm. Dữ liệu ảnh quét được ghi thành 2 đĩa CD, 1 đĩa chuyển về Bộ, 1 đĩa chuyển cho Chủ tịch Hội đồng chấm thi. 2 đĩa dữ liệu này cũng được niêm phong dưới sự giám sát của thanh tra và Công an.
Bước 2: Chuyển dữ liệu sang file text và phân tích kết quả quét. Phần mềm chấm sẽ chuyển dữ liệu từ ảnh quét được sang file text ghi các đáp án mà thí sinh đã chọn. Tiếp đó, máy sẽ soát lỗi trên bài thi.
Bước 3: Soát lỗi, nếu phát hiện lỗi phải lập biên bản và lưu kết quả sửa lỗi. Việc này được thực hiện dưới sự chứng kiến của cán bộ giám sát.
Cuối cùng, bước 4, đưa ra kết quả. Sau khi thực hiện xong các bước trên, Hội đồng thi mới được sử dụng đáp án để chấm điểm.
Trước đó, trong vấn đề tiêu cực ở Hà Giang, lợi dụng lỗ hở bảo mật của quy trình này (từ file ảnh chuyển thành file text và có thể chỉnh sửa kết quả trên phần mềm), ông Vũ Trọng Lương đã tải toàn bộ đáp án về, xử lý sang file excel, lưu vào máy, sau đó copy file đáp án của Bộ và dán đè lên file bài làm của thí sinh.
Sau khi điều chỉnh kết quả của thí sinh trên file excel, ông Lương tiếp tục sửa bài thi trắc nghiệm. Như vậy có thể chứng minh một điều rằng, chẳng cần là người phải giỏi trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bởi lỗ hổng bày ra khiến cho một người như ông Lương chỉ mất khoảng 6 giây để sửa cho một bài thi.
Còn ở Sơn La, theo thông tin từ tổ rà soát của bộ GD&ĐT, 1 trong 6 sai phạm của vụ việc là sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm đã quét ra đĩa CD không đúng thẩm quyền và tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi, chưa biết đem đi đâu và ai cho phép.
ĐHQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. |
Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào mà việc "phù phép" nâng điểm cho rất nhiều thí sinh từ trượt tốt nghiệp thành thủ khoa trở nên dễ dàng như vậy? Có lỗ hổng nào trong quy trình chấm và bảo quản bài thi mà chúng ta chưa biết?
Trao đổi với PV về vấn đề này với PV báo Người Đưa Tin, ĐHQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết:
“Phần lớn tiêu cực trong thi cử trong năm nay đều ở cán bộ sở GD&ĐT của tỉnh mà ra. Trong cách tổ chức thi năm nay, việc Bộ giao toàn quyền cho sở GD&ĐT của tỉnh cũng là cách để họ thực hiện tiêu cực 1 cách dễ dàng. Chưa kể đến việc, nhiều địa phương còn mắc bệnh thành tích dẫn đến tình trạng “học dở thành giỏi” và vấn đề tiêu cực diễn biến ngày càng phức tạp hơn.
Lỗ hổng lớn nhất là vấn đề chấm thi và bảo quản bài thi để các cán bộ sai phạm có thể dễ dàng can thiệp vào kết quả thi của những thí sinh mình muốn thay đổi”.
Qua nhiều năm, quy trình kĩ thuật chấm thi ngày càng hoàn thiện đặc biệt là chấm thi trắc nghiệm.
Tuy nhiên, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận dù kỹ thuật cao đến đâu nhưng vẫn phải dưới sự vận hành của con con người. Máy móc, quy trình có chặt chẽ như thế nào nhưng con người có mục đích thì cũng dẫn tới sai phạm. Sự chủ quan, không kiểm soát chặt chẽ trong quy trình chấm thi và bảo quản bài thi là bài học đắt giá".
"Thực tế đã cho thấy thi trắc nghiệm là hình thức thi nhanh gọn, tiết kiệm chi phí nhưng hiện tại nó bộc lộ những lỗ hổng “chết người” đặc biệt là lỗi bảo mật của phần mềm chấm thi trắc nghiệm. Một chút am hiểu công nghệ thông tin là có thể sửa kết quả thi trong tích tắc”, ông Hòa nhấn mạnh.
Như vậy, soi vào quy trình này để thấy được, việc tổ chức chấm thi vẫn còn nhiều lỗ hổng cần “vá”.
ĐBQH Phạm Văn Hòa phân tích: "Muốn vá những lỗ hổng này bắt buộc phải có sự phối hợp của nhiều ban ngành và nên chăng tổ chấm thi phải là bộ GD&ĐT. Bởi như vậy kết quả thi mới khách quan và công bằng. Tuy nhiên lúc đó phải huy động lực lượng rất đông, thời gian có thể kéo dài hơn so với hiện nay và rất tốn kém. Nhưng tốn kém chúng ta không sợ, ta chỉ sợ cái gọi là không công bằng".
Link nội dung: https://haiphong24h.org/bo-gddt-giao-toan-quyen-cho-so-la-lo-hong-trong-tieu-cuc-cham-thi-a108878.html