Hôm nay (27/7) phiên tòa tạm nghỉ đến ngày 30/7 sẽ bắt đầu trở lại với phần phát biểu quan điểm của VKSND giữ quyền công tố trong vụ án cố ý làm trái quy định của bị cáo Phạm Công Danh, Trầm Bê và 44 bị cáo khác gây thiệt hại hơn 6000 tỷ đồng cho Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB, nay là CBBank).
Đây là vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại 4 Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB, nay là CBBank), Sài Gòn thương tín (Sacombank), Tiên Phong (TPBank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Tại phiên tòa, đại diện VKSND giữ quyền công tố đã công bố Công văn số 15 ngày 20/6/2018 của VKSND Tối cao. Theo công văn này, các yêu cầu nêu trong quyết định hồ sơ để điều tra bổ sung của HĐXX đối với vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại 4 ngân hàng trên đã được điều tra, làm rõ.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh Văn Minh |
Theo đó, đại diện VKSND cho biết, đề nghị thu hồi hơn 6000 tỷ đồng từ 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV để trả lại cho VNCB vì cho rằng, đó là vật chứng vụ án. Đồng thời, kiến nghị xem xét dòng tiền 4500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ của Phạm Công Danh.
Ngoài ra, theo Công văn 15, Kết luận điều tra bổ sung không làm thay đổi nội dung truy tố đã nêu tại Cáo trạng số 83 của VKSNDTC. Vì vậy, VKSND giữ nguyên quan điểm truy tố nêu trong cáo trạng này đối với Phạm Công Danh và 45 đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tại phiên tòa, đại diện Ngân hàng Sacombank cho rằng, dưới góc độ là một tổ chức tín dụng, các quan hệ tín dụng giữa Sacombank với các công ty đã có trước khi xảy ra vụ án và các quan hệ này cũng đã chấm dứt.
“Các giao dịch này là quan hệ dân sự nhưng nếu hình sự hóa thì ảnh hưởng rất lớn đến ngân hàng. Do vậy, mong HĐXX xem xét lại việc kiến nghị thu hồi số tiền liên quan đến Sacombank”, đại diện Sacombank nói.
Tương tự, hai đại diện TPBank, BIDV cho rằng về phía ngân hàng cũng đã có trao đổi với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trên cơ sở đó Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có công văn số 210. Tại phiên xử hôm nay thì TPBank, BIDV vẫn giữ nguyên những nội dung đã trình bày với HĐXX ở phiên tòa tháng 1/2018.
Truy dòng tiền vay đi đâu?
Tại phiên tòa, HĐXX đã yêu cầu làm rõ dòng tiền 4.500 tỷ đồng vay từ BIDV, TPBank, Sacombank chuyển về VNCB (nay là CBBank).
Trả lời HĐXX, đại diện CBBank cho rằng, số tiền 4.500 tỷ đồng đã trộn lẫn vào dòng tiền chung và không tách ra được. Còn về hồ sơ chứng từ thì không có chuyển tiền trực tiếp cho ông Phạm Công Danh và các bị cáo khác. Số tiền này đã sử dụng hết cho chính VNCB.
Bị cáo Phan Thành Mai. Ảnh Văn Minh |
Trả lời HĐXX, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Phó tổng giám đốc VNCB) thừa nhận thực tế thì VNCB đã mất hơn 6000 tỷ đồng nhưng trên sổ sách thì vẫn còn cân đối ngay tại thời điểm đó.
Cũng liên quan đến 4.500 tỷ đồng, tại phiên tòa, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Phó tổng giám đốc VNCB) khai rằng, bị cáo và ông Phạm Công Danh có xin phép Ngân hàng Nhà nước tăng vốn điều lệ thành 2 đợt vì thời điểm đó vốn không đủ.
Theo bị cáo Mai, về nguyên tắc, khoản 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ trở thành nợ phải trả khi không được phép tăng vốn. Bị cáo Mai cũng đồng ý không bóc tách được nguồn tiền này nhưng không biết nguồn tiền đi đâu.
Bị cáo Phạm Công Danh. Ảnh Văn Minh |
Tại cơ quan điều tra, bị cáo Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) khai rằng số tiền 4.700 tỷ đồng vay từ BIDV được dùng chủ yếu vào mục đích tăng vốn điều lệ VNCB, số còn lại trả nợ cũ, chăm sóc khách hàng và trả lãi vay.
Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Công Danh cho rằng đối với khoản tiền 4.500 tỷ đồng bị cáo không sử dụng đồng nào mà tất cả vì ngân hàng VNCB chứ không có ý chiếm đoạt.
Theo bị cáo Danh, bản chất mất đi hơn 6000 tỷ đồng thì trong số này bị cáo đã đưa 4.500 tỷ vào VNCB.
HĐXX cho biết, trên thực tế chỉ xét phạm vi của vụ án này, với hành vi cố ý làm trái của các bị cáo đã gây thiệt hại cho VNCB hơn 6000 tỷ đồng. Thiệt hại này là có thật mặc dù bị cáo cho rằng tổng tài sản không thay đổi nhưng trên thực tế tài sản của ngân hàng đã mất hơn 6000 tỷ đồng.
“Bởi lẽ khi các bị cáo thực hiện việc bảo lãnh 29 khoản vay nhưng không thực hiện bảo đảm cho việc bảo lãnh này. Xét về mặt kế toán thì hai khoản có và nợ cần bằng nhau nhưng xét trên thực tế thì ngân hàng đã bị mất hơn 6000 tỷ đồng”, HĐXX giải thích.
Phiên tòa bắt đầu trở lại làm việc vào ngày 30/7 với phần phát biểu quan điểm của VKSND.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/dai-an-ngan-hang-xay-dung-de-nghi-thu-hoi-6000-ty-dong-a108917.html