Đề xuất "khó đỡ" của Bộ GTVT

Chức năng của thiết bị giám sát hành trình chưa được khai thác hết, Bộ GTVT lại buộc xe kinh doanh vận tải phải gắn thêm camera

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ lấy ý kiến các thành viên Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô. Trong dự thảo này, Bộ GTVT đưa ra cần có thêm việc ghi nhận hình ảnh hoạt động của tài xế thông qua thiết bị GPS (giám sát hành trình). Việc này có thể hiểu các ôtô phải được gắn thêm camera để cung cấp hình ảnh, dữ liệu.

Đâu phải cứ gắn là sử dụng được

Bộ GTVT cho biết đề xuất trên nếu thực hiện sẽ có tác động trên 340.000 phương tiện kinh doanh vận tải. Việc thực hiện được nêu cụ thể theo từng giai đoạn. Theo đó, sẽ áp dụng trước ngày 1-7-2022 đối với ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch từ 9 chỗ trở lên; trước ngày 1-7-2023 đối với ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe container, xe đầu kéo kéo rơ-moóc hoặc sơmi rơ-moóc; trước ngày 1-7-2024 đối với ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 20 tấn trở lên; trước ngày 1-7-2025 đối với ôtô kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ.

Theo ghi nhận tại TP HCM, ngoài thiết bị giám sát hành trình, việc ghi nhận hình ảnh hoạt động của tài xế hiện cũng đang áp dụng trong hầu hết các xe buýt. Mục đích chủ yếu là để giám sát cung cách, thái độ phục vụ của tài xế, tiếp viên cũng như vấn đề an ninh trên xe, chứ không còn thêm tính năng vượt trội nào khác. Đó là chưa kể việc vận hành bộ máy giám sát thông qua các hình ảnh từ camera gửi về cũng khá phức tạp, cần một hệ thống máy móc, nhân lực được đào tạo chuyên môn bài bản. Đơn cử như tại Trung tâm Quản lý vận tải hành khách công cộng, hệ thống giám sát xe buýt được thực hiện mang tính chất quy mô lớn, không chỉ thông qua một mình hình ảnh từ camera gắn trên xe mà còn qua hệ thống camera trên đường…

 Camera gắn trên xe buýt tại TP HCM chủ yếu chỉ để giám sát cung cách phục vụ của tài xế, tiếp viên

Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô khách liên tỉnh và du lịch TP HCM, đề xuất gắn thêm camera trên các phương tiện kinh doanh vận tải là không phù hợp, chỉ tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp (DN) và gây lãng phí cho xã hội. Phân tích kỹ hơn về mục đích của đề xuất trên, ông Tính cho rằng để hạn chế các tiêu cực trên đường như tình trạng mãi lộ thông qua việc gắn camera trên xe là không khả thi. Lý do là camera sẽ gắn ở những vị trí cố định, không dễ để ghi nhận được những hình ảnh tiêu cực, nếu có. "Đề xuất như trên là không cần thiết bởi hiệu quả không được bao nhiêu, trong khi chi phí bỏ ra lại lớn. Hơn nữa, khi chi phí tăng lên, đối tượng chịu thiệt thòi lại chính là người dân, bởi DN sẽ cộng vào kinh phí vận chuyển" - ông Tính nhìn nhận.

Chỉ cần khai thác tốt thiết bị giám sát hành trình

Theo ông Tính, từ năm 2014 - sau khi Nghị định 86 có hiệu lực - các doanh nghiệp (DN) vận tải bằng ôtô theo dạng hợp đồng, liên tỉnh, xe buýt, xe container…, đã phải lần lượt thực hiện lộ trình lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình. Thiết bị này là công cụ quản lý hữu hiệu với nhiều DN, chủ xe, khi có thể ghi nhận và tổng hợp các thông tin về phương tiện, người lái như vị trí, vận tốc, lộ trình, thời gian lái xe… Theo lộ trình, hầu hết các xe kinh doanh vận tải hiện đã phải lắp thiết bị giám sát hành trình mới đủ điều kiện, đồng thời hỗ trợ công tác quản lý của cá nhân các DN và cơ quan chức năng.

Điều đáng nói là hiện nay với các thiết bị giám sát hành trình, cơ quan quản lý còn chưa khai thác hết chức năng. Thiết bị này giúp cơ quan quản lý kiểm soát tình trạng xe dù, bến cóc, thời gian tài xế điều khiển xe, xe chạy theo lộ trình nào…, nhưng hiện chưa được thực hiện hiệu quả và khai thác triệt để. "Do đó, các cơ quan chức năng nên tập trung khai thác hết chức năng của thiết bị giám sát hành trình là giải pháp quản lý xe kinh doanh vận tải hữu hiệu nhất" - ông Tính nói.

Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Lâm Vinh, nói thẳng đề xuất gắn thêm camera giống như đang "hành" DN và các chủ xe. Ông Vinh cho rằng đưa ra một trong những nguyên nhân của sự cần thiết phải gắn camera là để hạn chế tình trạng DN và lực lượng chức năng tham nhũng, trốn thuế, xe dù, bến cóc, hay "mãi lộ" trên đường là không phù hợp. "Việc hạn chế tiêu cực là trách nhiệm của cơ quan quản lý, không thể không quản được thì đổ lên đầu DN" - ông Vinh thẳng thắn. Cũng theo ông Vinh, camera nếu gắn trên xe để giám sát các hành vi của tài xế thì hợp lý hơn, tuy nhiên không cần thiết bởi để gắn một thiết bị giám sát hành trình có hình ảnh trực tiếp đã rất tốn kém, chưa kể chi phí vận hành, mà DN lại tự chịu.

Theo chủ một DN vận tải hoạt động trong lĩnh vực xe hợp đồng - du lịch tại TP HCM, một thiết bị giám sát hành trình thông thường trung bình tốn hơn 2 triệu đồng. Tuy nhiên, DN chỉ gắn để thực hiện theo quy định, còn ít sử dụng đến, trừ trường hợp nếu có sự cố tai nạn hoặc vi phạm, bị cơ quan chức năng xử phạt. Trong khi đó, với một bộ thiết bị giám sát hành trình có chức năng ghi nhận và truyền dữ liệu hình ảnh, chủ DN này nói mức giá gấp đôi thiết bị thông thường và còn khá tốn kém để duy trì máy chủ, đường truyền dữ liệu. "Một vài xe thì không sao, nhưng nếu DN có vài trăm xe thì chi phí bỏ ra không hề nhỏ" - chủ DN này nói.

Nên gắn camera trên đường phố

Theo ông Lâm Đại Vinh, thay vì bắt buộc ôtô kinh doanh vận tải phải gắn camera để hạn chế những tiêu cực trên đường, các hoạt động xe dù, bến cóc…, cơ quan chức năng nên tăng cường hệ thống camera trên đường phố sẽ khả thi hơn. "Việc này không chỉ hiệu quả với riêng ngành giao thông vận tải mà còn tốt hơn trong bảo đảm an ninh trật tự" - ông Vinh nhấn mạnh.

 

Link nội dung: https://haiphong24h.org/de-xuat-kho-do-cua-bo-gtvt-a109706.html