An Giang đón lượng du khách lớn nhất trong các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Cụm du lịch phía Tây các tỉnh ĐBSCL đã đón hàng triệu lượt khách du lịch, với tổng doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng.

Cụm du lịch phía Tây ĐBSCL (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang) vừa tổ chức sơ kết hợp tác phát triển du lịch 6 tháng đầu năm 2018.

Theo báo cáo của cụm, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượt khách tham quan du lịch đến các địa phương trong cụm khoảng 17,8 triệu lượt, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 76,4% trong tổng lượt khách du lịch đến ĐBSCL.

Trong đó, khách quốc tế khoảng 677.000 lượt, tăng 33,4% so với cùng kỳ, chiếm 42,8% trong tổng số khách quốc tế đến ĐBSCL.

Doanh thu du lịch của cụm đạt trên 10.388 tỷ đồng, tăng 33,4% so với cùng kỳ, chiếm 76,1% tổng doanh thu du lịch vùng ĐBSCL.

 Lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam (tỉnh An Giang) hàng năm vào tháng 4 âm lịch luôn thu hút rất đông khách đến cúng viếng và du lịch.

Qua thống kê cho thấy, chỉ tính 3 địa phương là Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang đã chiếm đến trên 14 triệu lượt khách của toàn cụm. Trong đó, tỉnh An Giang có số lượt khách cao nhất (6,5 triệu lượt), tiếp là Cần Thơ (hơn 4,4 triệu lượt), kế là Kiên Giang (hơn 3,8 triệu lượt).

Tuy nhiên, số lượt khách quốc tế đến tỉnh An Giang lại thấp hơn rất nhiều so với Cần Thơ và Kiên Giang; trong khi Kiên Giang hơn 308.000 lượt khách quốc tế, Cần Thơ trên 231.000 lượt thì An Giang chỉ có 50.000 lượt.

Về doanh thu thì 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang cũng chiếm hơn 50% tổng doanh thu cả cụm, với trên 6.200 tỷ đồng.

Trong khi đó, địa phương có số lượt khách thấp nhất trong toàn cụm là tỉnh Hậu Giang, chỉ hơn 230.000 lượt, trong đó khách quốc tế hơn 9.200 lượt, với doanh thu khoảng 81,122 tỷ đồng.

 Tỉnh Bạc Liêu đứng thứ 5 về số lượt khách trong cụm du lịch phía Tây trong 6 tháng đầu năm 2018, với 984.000 lượt. (Trong ảnh là Khu tham quan Điện gió Bạc Liêu).

Cũng theo báo cáo của Cụm du lịch phía Tây ĐBSCL, có 2 địa phương trong cụm được Thủ tướng quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển 2 khu du lịch Quốc gia là Núi Sam (An Giang) và Đất Mũi (Cà Mau). Đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch của mỗi tỉnh nói riêng và Cụm phía Tây nói chung, là một trong những điểm quan trọng trong việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú của ĐBSCL và cả nước.

Tuy nhiên, Cụm du lịch phía Tây vẫn nhìn nhận còn có mặt hạn chế như việc hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa có sự tham gia hưởng ứng tích cực; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch “Một điểm đến bốn địa phương +” chưa đạt hiệu quả cao.

 Đất Mũi (tỉnh Cà Mau) là 1 trong 2 nơi trong Cụm du lịch phía Tây ĐBSCL được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phát triển khu du lịch Quốc gia.


Theo Cụm du lịch phía Tây, những tháng cuối năm 2018, cụm sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước, công tác phối hợp quảng bá du lịch; tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh tình honhf hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đang hoạt động tại các tỉnh, thành trong cụm; tăng cường trao đổi ấn phẩm, tặng phẩm du lịch nhằm quảng bá xúc tiến du lịch giữa các địa phương.

Cụm du lịch phía Tây ĐBSCL cũng kiến nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư về du lịch tại ĐBSCL.

 

Link nội dung: https://haiphong24h.org/an-giang-don-luong-du-khach-lon-nhat-trong-cac-tinh-dong-bang-song-cuu-long-a110335.html