Chiếc F-22 Mỹ trong tầm ngắm của tiêm kích Su-35S Nga. Ảnh: Ivan Ivanov. |
Một cựu phi công Su-35S Nga hôm 24/9 đăng ảnh tiêm kích tàng hình F-22 trên mạng xã hội Instagram, cho biết nó được chụp trong quá trình tuần tra trên bầu trời Syria, ám chỉ máy bay tàng hình Mỹ bị hệ thống cảm biến của Su-35S phát hiện và "khóa chết".
Cựu phi công tiêm kích Nga đăng bức ảnh kèm dòng chú thích "F-22 rất ngạo mạn và đã bị trừng phạt sau một thời gian ngắn. Khi chiến đấu chắc chắn nó sẽ tiêu đời". Tuy nhiên, tuyên bố này của phi công Nga làm dấy lên nhiều nghi ngờ trong giới chuyên gia quân sự phương Tây, theo Business Insider.
Trong ảnh, tiêm kích F-22 Mỹ dường như đang nằm trong tầm ngắm của hệ thống bám bắt hồng ngoại và đo xa laser OLS-35 gắn trên mũi tiêm kích Su-35S. Hệ thống này chuyên xác định dấu hiệu nhiệt từ máy bay đối phương, cho phép theo dõi liên tục mà không đánh động mục tiêu.
OLS-35 được coi là công cụ rất hữu ích trong việc phát hiện các máy bay tàng hình Mỹ khi radar trên máy bay Nga trở nên vô dụng, bởi tiết diện radar của các chiến đấu cơ như F-22 và F-35 và rất nhỏ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc Su-35S Nga phát hiện tiêm kích tàng hình Mỹ bằng tổ hợp OLS-35 không có nghĩa là nó đủ sức bắn hạ đối phương trong chiến đấu.
"Ngay cả khi bức ảnh do phi công Nga đăng lên là thật, nó cũng khó được coi là bằng chứng tin cậy cho thấy tiêm kích Su-35S có thể phát hiện và đánh chặn những chiếc F-22 một cách hiệu quả", Justin Bronk, chuyên gia tại Viện Quân sự Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định.
OLS-35 đủ sức phát hiện, theo dõi máy bay tàng hình trong một số điều kiện cụ thể. Tuy nhiên, nó không phải là giải pháp hữu hiệu để đối phó những chiếc F-22 và F-35, bởi tầm hoạt động tối đa của OLS-35 chỉ là 90 km, so với phạm vi phát hiện mục tiêu hơn 300 km của radar Irbis-E. Bên cạnh đó, hệ thống OLS-35 cũng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố môi trường hơn radar.
Tiêm kích F-22 tiếp dầu trên không phận gần Syria năm 2017. Ảnh: USAF. |
Bronk cho rằng với các hệ thống cảm biến hiện đại của mình, F-22 chắc chắn đã phát hiện được tiêm kích Su-35S của Nga ngay từ khi nó cất cánh từ căn cứ ở Syria.
Trong điều kiện thực chiến, F-22 chắc chắn sẽ không để tiêm kích Su-35S Nga đến gần như vậy để sử dụng cảm biến OLS-35 khóa mục tiêu. Các tên lửa không đối không tầm xa của F-22 đủ sức hạ mục tiêu từ hàng trăm km, trước khi phi công Nga có cơ hội sử dụng cảm biến của mình để phát hiện tiêm kích đối phương. "Bởi vậy, bức ảnh này không thể chứng tỏ rằng F-22 bị thất thế khi đối đầu với Su-35", Bronk cho biết.
Nhiều khả năng Su-35S đã nắm rõ lộ trình của F-22 thông qua kênh liên lạc tránh xung đột giữa Nga và Mỹ trên chiến trường Syria. "Điều này tạo điều kiện cho phi công Nga tiếp cận chiếc F-22 và thực hành bám bắt đối phương bằng hệ thống OLS-35", cây bút Alex Lockie nhận định.
Việc sử dụng hệ thống OLS-35 cũng giúp phi công Nga thoải mái theo dõi mục tiêu mà không gặp rắc rối, bởi việc khóa mục tiêu tiêm kích F-22 bằng radar Irbis-E có thể bị coi là hành động khiêu khích nguy hiểm, cũng như làm lộ dữ liệu bí mật về khả năng trinh sát của Su-35S, Bronk cho hay.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/nghi-van-quanh-tuyen-bo-su-35s-nga-khoa-chet-f-22-my-o-syria-a111805.html