Giáo viên vi phạm pháp luật, xử lý kỷ luật thôi là chưa đủ

Lấy ví dụ cho việc xử lý kỷ luật theo luật Cán bộ, công chức, viên chức thôi là chưa đủ, các luật sư chỉ ra như vụ sửa điểm trong kỳ thi THPT Quốc Gia ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La... vừa qua thì ngoài việc bị kỷ luật, những người này còn bị xử lý hình sự.

Trước một số lo ngại của dư luận về Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục vừa được bộ GD&ĐT công bố mới đây, ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên tiếng.

Cụ thể, ông Nguyễn Huy Bằng cho rằng, theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Xử lý vi phạm hành chính thì: “Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ được giao theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức”.

 Luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Tuy nhiên, có nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, quan điểm như trên là chưa có căn cứ, thậm chí là sai luật. Trong khi một hành vi vi phạm được điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản pháp luật, nếu không phân biệt, xác định đúng tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm sẽ dẫn đến tình trạng áp dụng pháp luật tùy tiện, áp dụng không đúng.

Luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, chiếu theo quy định của luật Viên chức năm 2010 và luật Cán bộ, công chức năm 2008 giáo viên là cán bộ, công chức, viên chức của Nhà nước.

Khi một viên chức, công chức vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, phải chịu một trong các hình thức kỷ luật là Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức; Buộc thôi việc (hoặc bãi nhiệm).

Về nguyên tắc xử lý kỷ luật, Nghị định 27/2012/NĐ-CP ngày 06/04/2012 quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức nêu rất rõ: “Không áp dụng hình thức xử phạt hành chính thay cho hình thức kỷ luật”. Hay nói cách khác, hình thức kỷ luật này là việc xử lý nội bộ và không thay thế các chế tài của pháp luật. Tức là, nếu hành vi của giáo viên vi phạm quy định pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cấu thành tội phạm.

Luật sư Cường còn viện dẫn ví dụ gần đây nhất là vụ sửa điểm trong kỳ thi THPT Quốc Gia: “Nếu một người là Đảng viên, là cán bộ, công chức, viên chức mà thực hiện hành vi sửa điểm trong kỳ thi THPT quốc gia như trường hợp ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La... vừa qua thì ngoài việc bị kỷ luật theo luật Công chức, viên chức, bị kỷ luật Đảng, những người này còn bị xử lý hình sự”.

 Luật sư Nguyễn Công Thành (đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, luật sư Nguyễn Công Thành (đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Hiện tại, hệ thống pháp luật Việt Nam có luật Xử lý vi phạm hành chính áp dụng chung cho các hành vi vi phạm hành chính. Ngoài ra, đối với từng lĩnh vực cụ thể sẽ có các văn bản riêng để áp dụng. Trong lĩnh vực giáo dục có thể kể đến một số văn bản như, Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục; Nghị định số 79/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Luật sư Thành cho rằng, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục là cần thiết. Nội dung trong điều khoản sẽ mô tả các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Tuy nhiên những hành vi, vấn đề được đưa vào văn bản này phải phù hợp với hệ thống pháp luật và sự phát triển của pháp luật, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác. Những hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức mà đã được quy định ở luật Cán bộ, công chức hay luật Viên chức thì sẽ không đưa vào Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

“Một văn bản pháp luật được ban hành thì phải được thực thi trên thực tế, nếu ban hành mà không được áp dụng thì sẽ thể hiện sự tùy tiện trong việc áp dụng pháp luật. Không những thế, để ban hành một văn bản pháp luật cần có sự nghiên cứu, đầu tư của cả một hệ thống và tốn kém tiền của Nhà nước, công sức của nhiều người. Văn bản ban hành mà không được áp dụng thì chẳng phải quá gây lãng phí hay sao”, luật sư Thành nói.

Link nội dung: https://haiphong24h.org/giao-vien-vi-pham-phap-luat-xu-ly-ky-luat-thoi-la-chua-du-a112083.html