Đề xuất tăng giá dịch vụ tại cảng biển

Tăng giá dịch vụ xếp dỡ container nhận được sự đồng tình thì đề xuất tăng giá dịch vụ đối với hành khách tàu du lịch lại gặp nhiều phản ứng

Tại hội thảo về các giải pháp tăng cường kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng, giảm chi phí logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) và khung giá dịch vụ tại cảng biển do Bộ GTVT tổ chức chiều 5-10 tại TP HCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết khung giá dịch vụ cảng biển tại Việt Nam ở mức rất thấp so với khu vực, các cảng biển thiếu nguồn lực để tái đầu tư.

Hãng tàu thu nhiều chi ít

Cụ thể, giá dịch vụ xếp dỡ container mỗi lần tại khu vực cảng Hải Phòng chỉ 30 USD trong khi giá tại Campuchia là 65 USD, Malaysia 52 USD, Hồng Kông (Trung Quốc) đến 130 USD (cùng container 20 feet). Do đó, Bộ GTVT đưa ra phương án tăng giá 10% so với hiện hành (áp dụng lại khu vực cảng Hải Phòng và Cái Mép - Thị Vải) hoặc tăng giá theo lộ trình: tăng 10% năm 2019 và đến năm 2030 tăng 30% để tiệm cận với giá thế giới. Việc điều chỉnh giá chỉ nhằm cân bằng giữa doanh thu của hãng tàu và doanh nghiệp (DN) cảng, không tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Ông Nhữ Đình Thiện, Tổng Thư ký Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam (Visaba), ủng hộ phương án tăng giá dịch vụ theo hướng tiệm cận thế giới để các cảng hoạt động hiệu quả, có điều kiện đầu tư nâng cấp nhằm giảm thời gian bốc xếp, giảm thời gian lưu hàng tại cảng. Theo ông Thiện, các hãng tàu nước ngoài đang hưởng lợi khi giá phí cảng thấp nhưng thu của chủ hàng cao.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, đồng thuận quan điểm nên tăng giá dịch vụ này sát với các nước trong khu vực và cho rằng việc điều chỉnh sẽ không ảnh hưởng đến cước vận chuyển tàu hàng nói chung.

Theo Cục Hàng hải, Việt Nam hiện có 45 cảng biển với gần 89 km dài cầu cảng, tổng công suất thiết kế khoảng 543,7 triệu tấn/năm. Hiện có 216 DN nhà nước và tư nhân tham gia khai thác nhưng nhiều DN đang trong tình trạng lỗ, ngay cả cảng đầy khách vẫn lỗ.

 Xếp dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái (TP HCM). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thận trọng với phí tàu khách

Trong khi đề xuất tăng giá dịch vụ xếp dỡ container nhận được sự đồng thuận của nhiều DN, hiệp hội liên quan thì đề xuất tăng giá dịch vụ đối với hành khách tàu du lịch lại gặp nhiều phản ứng.

Theo dự thảo, Bộ GTVT dự kiến tăng giá dịch vụ đối với hành khách từ 0,9-1,1 USD/người hiện nay lên mức 2,5-15 USD/người. Bởi mức giá này hiện quá thấp (các nước từ 8-14 USD/người), không bảo đảm chất lượng dịch vụ vệ sinh, an toàn, an ninh nên không thể đầu tư trang thiết bị và cơ sở hạ tầng để tiếp nhận các tàu du lịch biển quốc tế lớn đến cảng biển Việt Nam. "Qua tham khảo các hãng tàu khách nước ngoài họ chấp nhận chi trả mức giá cao hơn để nhận được dịch vụ cao hơn" - đại diện Bộ GTVT cho biết.

Theo ông Lê Duy Hiệp, việc tăng giá dịch vụ tàu khách cần có lộ trình vì hiện nay Việt Nam chưa có cảng chuyên đón tàu khách, nhiều cảng không muốn đón tàu khách.

Ông Trương Hoài Phong, Giám đốc Công ty CP Hàng hải MACS, đề nghị Bộ GTVT khi tăng giá dịch vụ hành khách tàu biển nên tham khảo ý kiến Tổng cục Du lịch xem có ảnh hưởng đến thu hút khách quốc tế hay không. Bởi thực tế, ngoài mức thu 0,9-1,1 USD/người theo quy định, các cảng còn thu thêm nhiều khoản như phí ưu tiên, phí vệ sinh cầu bến...

"Các cảng Việt Nam gần như không có dịch vụ gì cho tàu khách nên không thể so sánh mức thu của Việt Nam với các nước trong khu vực. Ngoài ra, nhìn chung các cảng đón khách không phải là phí thu từ khách mà là các dịch vụ xung quanh" - ông Phong lý giải.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công thông tin hiện có 2 DN Việt Nam đầu tư cảng chuyên dụng để đón tàu khách quốc tế. Bộ GTVT tiếp thu góp ý của DN và cho biết giá dịch vụ cảng chuyên đón hành khách sẽ cao hơn cảng tổng hợp.

Link nội dung: https://haiphong24h.org/de-xuat-tang-gia-dich-vu-tai-cang-bien-a112123.html