Thương hiệu ô tô nào giá trị nhất thế giới năm 2018?

Trong danh sách 100 thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2018, do hãng Interbrand khảo sát và tổng hợp, có khá nhiều tên tuổi lớn của ngành ô tô.

 

Cụ thể, Toyota tiếp tục dẫn đầu lĩnh vực ô tô, với giá trị thương hiệu ước tính khoảng 53,404 tỉ USD, tăng 6% so với năm ngoái. Xét trong tất cả các ngành nghề, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đứng thứ 7, chỉ sau các thương hiệu nổi tiếng như Apple, Google, Amazon, Microsoft, Coca-Cola và Samsung.

Trong khi đó, thương hiệu ô tô hạng sang Mercedes-Benz cũng có giá trị tăng 2%, lên 48,601 tỉ USD, vượt qua Facebook để chiếm vị trí thứ 8, ngay sau Toyota.

Cả hai tên tuổi này đều nằm trong top 10 của danh sách 100 thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2018.

Trong số các thương hiệu ô tô lớn khác, BMW có sự sụt giảm nhẹ, mất khoảng 1% giá trị thương hiệu, xuống còn 41,006 tỉ USD, tiếp tục đứng ở vị trí thứ 13. Trong khi đó, Honda đứng thứ 20, với giá trị thương hiệu 23,682 tỉ USD (tăng 4%); Ford đứng thứ 35 với giá trị thương hiệu 13,995 tỷ USD (tăng 3%); còn Hyundai đứng thứ 36 với giá trị thương hiệu 13,535 tỉ USD (tăng 3%).

Nissan, Volkswagen và Audi lần lượt xếp cạnh nhau ở vị trí số 40, 41 và 42. Trong nửa dưới của danh sách, Porsche đứng vị trí thứ 52 với giá trị thương hiệu 10,707 tỉ USD (tăng 6%), Kia đứng thứ 71 với giá trị thương hiệu 6,925 tỉ USD (tăng 4%) và Land Rover đứng thứ 78 với giá trị thương hiệu 6,21 tỉ USD (tăng 2% ).

Ferrari được vinh danh là thương hiệu phát triển hàng đầu trong số các nhà sản xuất ô tô năm nay, với mức tăng trưởng 18% về giá trị thương hiệu, lên 5,76 tỷ USD và nắm giữ vị trí thứ 80. Các thương hiệu trong ngành công nghiệp ô tô khác cũng xuất hiện trong danh sách này bao gồm MINI với 5.254 tỷ USD (tăng 3%), Harley Davidson với 5.161 tỷ USD (giảm 9%) và một cái tên mới Subaru, với 4.214 tỷ USD.

Để có tên trong danh sách Các thương hiệu toàn cầu tốt nhất của Interbrand, một công ty phải đáp ứng một số điều kiện, trong đó ít nhất 30% doanh thu phải đến từ thị trường nước ngoài. Hơn nữa, thương hiệu đó phải có sự hiện diện đáng kể ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ cũng như có phạm vi phủ sóng rộng rãi tại các thị trường mới nổi.

Ngoài ra doanh nghiệp cần phải có dữ liệu công khai đầy đủ về hiệu suất tài chính và bất kỳ khoản lợi nhuận kinh doanh nào cũng có thể dự kiến đem lại tác động tích cực trong dài hạn, mang lại lợi nhuận cao hơn chi phí vốn của thương hiệu. Cuối cùng, thương hiệu đó phải có một hồ sơ công khai và được công nhận tại các nền kinh tế lớn.

 

 

Link nội dung: https://haiphong24h.org/thuong-hieu-o-to-nao-gia-tri-nhat-the-gioi-nam-2018-a112326.html