Chúng tôi đến thôn 8, xã Định Hải, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa hỏi thăm gia đình chị Cù Thị Lam. Căn nhà lợp mái tôn trống huơ trống hoác nằm nép sau rặng chuối. Cửa trước nhìn thẳng ra cửa sau thông thống, lúc nào cũng mở bởi trong nhà chẳng có nổi một vật đáng giá.
Mảnh sân phía trước kê một chiếc bàn cùng vài cái ghế nhựa. Mời chúng tôi ngồi, rót nước chè từ chiếc bình nhựa cũ kĩ, chị ái ngại: “Cô chú thông cảm, nhà dựng nhờ trên đất của anh trai nên tạm bợ vậy…”.
Đang nói chuyện thì một cậu bé trong nhà chạy vụt ra, mặt mũi tươi cười chào khách. Đó là bé Trần Đức Duy (sinh năm 2015), con trai thứ hai của chị Lam. Bé đang mang trong mình một trái tim không lành lặn.
Chị Lam và con trai bên căn nhà cũ kỹ, trống trải của gia đình |
Vợ chồng chị Lam kết hôn năm 2004 và đã có một cháu gái hơn 10 tuổi. Năm 2014, anh chị vui mừng khi biết có thai cháu Duy. Được 3-4 tháng, chị thường xuyên ra máu, phải nhập viện liên tục, song bác sĩ vẫn nói thai nhi khỏe mạnh, không có gì đáng ngại.
“Không ngờ đến tháng thứ 8, đi siêu âm tại bệnh viện huyện Tĩnh Gia, tôi sững sờ khi biết con mình bị tim bẩm sinh. Lặn lội ra Bệnh viện Nhi Hà Nội khám, bác sĩ cũng lắc đầu ái ngại bảo đã quá muộn. Chỉ còn cách sinh con ra rồi bệnh đến đâu, chữa đến đấy”, chị nói.
Ngày con trai chào đời, chị lặng người chứng kiến cơ thể non nớt tím tái oằn lên khóc ngặt. Càng đau lòng hơn khi nghe bác sĩ khẳng định, con chỉ sống được 6 tiếng đồng hồ, gia đình nên chuẩn bị lo hậu sự. Nước mắt giàn giụa, vợ chồng chị ôm con ra bệnh viện Nhi Trung ương tìm kiếm hy vọng. Tại đây vừa siêu âm xong, nhìn kết quả, bác sĩ cũng chịu, cho biết một quả tim có quá nhiều dị tật như vậy không thể làm được gì nữa.
Bản năng người mẹ khiến chị Lam không cho phép mình bỏ cuộc. Chị giữ con lại ở bệnh viện theo dõi dù mọi người nói đã hết cơ hội, có tiền tỷ, bán hết đất hết nhà cũng không thể cứu được con. Tin con vẫn còn sức sống, chị lại đưa về nhà chăm sóc, cầm cự được 3 năm.
Bé Duy mang trong mình trái tim không lành lặn nhưng vẫn kiên cường chiến đấu |
“Cháu được 3 tuổi, tôi quyết định sang Trung Quốc làm thuê mong kiếm được chút ít về chữa bệnh cho con. Sang đó bóc vỏ tôm, làm công nhân cho công ty đông lạnh, cực khổ trăm bề, nhưng chỉ cần nghĩ đến con tôi lại có động lực.”, chị buồn bã. Mới đi được 7 tháng, ở nhà gọi điện sang thông báo con bị viêm phổi, viêm tai, tím tái khó thở, không ăn uống được gì. Chị không đành lòng nên bỏ về nước, đưa con ra Hà Nội.
“Ở viện Tim, các bác sĩ nói cháu có một sức sống diệu kỳ”, mắt chị lấp lánh ánh lên tia hy vọng. Người mẹ nghèo quyết tâm cứu con bằng mọi giá. Theo bác sĩ, tim của bé Duy chỉ có 1 thất, nhưng có một ống phụ tự nhiên sinh ra để nuôi cơ thể tồn tại đến giờ phút này. Nhưng con càng lớn, ống phụ đó càng teo đi, sự sống bị đe dọa. Để cứu con, bệnh viện sẽ tiến hành 2 lần phẫu thuật. Sắp tới thực hiện lần 1 làm ống thay thế, 2 năm sau mới tiến hành phẫu thuật tiếp bởi con chưa đủ sức khỏe.
Cơ hội giữ tính mạng con ở ngay trước mắt nhưng chị lại đang trong tình cảnh bất lực bởi nhà quá nghèo. Trước đây anh chị kết hôn, trong tay không có tài sản gì đáng giá. Chồng chị Lam là anh Trần Thế Tám từng làm lái xe thuê, lương trả thất thường, suốt 1 năm ròng không để được đồng nào. Chị bàn với chồng nghỉ việc, theo anh em lên rừng chở thông cho công ty giấy. Ngày nắng thì còn kiếm được chút ít, có đợt mưa đến 4-5 hôm, anh chỉ có thể ở nhà chăm con.
Bản thân chị Lam quê ở Nghệ An, từ ngày theo chồng về Thanh Hóa chị cũng thử làm hết việc này đến việc khác như công nhân, làm ruộng… song thu nhập quá thấp. Trong thời gian mang thai bé Duy, chị lại liên tiếp chịu tang của bố chồng, mẹ đẻ và ông ngoại. Tang thương chất chồng, nghèo khổ bủa vây, con cái bệnh tật, chị mới tìm cách sang Trung Quốc.
|
Nhà anh chị được dựng tạm trên đất của anh trai, trong nhà không một vật đáng giá |
Hiện tại, phía bệnh viện cho biết hoàn cảnh của bé Trần Đức Duy có thể làm hồ sơ miễn giảm chi phí mổ tim, song gia đình vẫn cần đóng tiền trước, dự tính khoảng 50 triệu đồng. Số tiền đó quá lớn đối với một gia đình nghèo mỗi bữa chỉ dám mua 10 ngàn cá về kho mặn như nhà chị Lam. Hơn nữa, chị vẫn đang nợ quỹ xóa đói giảm nghèo khoảng 50 triệu đồng. Anh em họ hàng cũng nghèo cả nên việc vay mượn là điều không thể.
Chứng kiến bé trai gầy gò có khuôn mặt tươi vui, láu lỉnh, người lớn không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến hoàn cảnh của em. Chia tay chị ra về, chúng tôi mong sao sẽ có nhiều tấm lòng hảo tâm ra tay giúp đỡ, để Duy sớm có được một trái tim lành lặn, sống cuộc đời trọn vẹn như bao đứa trẻ khác.
Mọi đóng góp có thể gửi về: Gửi trực tiếp: Chị Cù Thị Lam, thôn 8, xã Định Hải, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. SĐT 038.824.0712 |
Link nội dung: https://haiphong24h.org/me-quan-quat-ben-kia-bien-gioi-gop-dong-le-mo-tim-cho-con-a112350.html