Theo đó, năm 1991, mẹ nuôi của bà Út là cụ Ngô Thị Ngận (cụ Ngận chết năm 1997) có bán cho ông Phạm Văn X. cùng trú tại xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy một thửa đất có chiều ngang 6,5m giáp đường 401, chiều dài theo thửa đất của gia đình. Việc mua bán chỉ nói bằng miệng, không được lập thành văn bản. Thế nhưng, sau đó, ông X. lại được UBND huyện Kiến Thụy cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) với diện tích 163m2 có chiều ngang giáp đường 401 là 8,5m.
Bà Út phản ánh sự việc với phóng viên |
Theo bà Út, sau khi được cấp GCNQSDĐ, ông X. đã nói rằng cụ Ngận bán cho ông 8,5m đất giáp mặt đường 401 và có thái độ thách thức gia đình bà Út. Gia đình bà Út tìm hiểu sự việc thì phát hiện ông X. đã dùng giấy tờ mua bán đất giả mạo chữ chữ ký để xin cấp GCNQSDĐ.
Cụ thể là đơn xin chứng nhận với nội dung cụ Bùi Thị Ngận cùng các con đã thống nhất bán cho ông X. thửa đất có diện tích 180m2 với chiều ngang giáp đường là 8,5m, văn bản này có chữ ký của cụ Ngận cùng hai con trai là Phạm Văn Xuyền và Phạm Văn Tuyên.
Bà Út khẳng định, đơn xin chứng nhận nêu trên là giả bởi cụ Ngận họ tên đầy đủ là Ngô Thị Ngận chứ không phải Bùi Thị Ngận, cụ Ngận lại không biết chữ, hai ông Xuyền và Tuyên đều khẳng định chữ ký tại văn bản trên không phải của hai ông, hai ông cũng không ký vào bất kỳ giấy tờ bán đất nào cho ông X. Hơn nữa, tại các buổi giải quyết hòa giải, ông X. đã thừa nhận chỉ mua của cụ Ngận 6,5m đất giáp đường 401.
Sau khi phát hiện sự việc, gia đình bà Út đã có rất nhiều đơn đề nghị UBND xã Tú Sơn, UBND huyện Kiến Thụy xác minh, làm rõ việc giả mạo giấy tờ, làm rõ việc cấp GCNQSDĐ cho ông X. và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Nhưng đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Đặc biệt, khi gia đình ông X. tiến hành xây nhà, xưởng trên thửa đất, gia đình bà Út đã liên tục đề nghị chính quyền dừng việc xây dựng để giải quyết vụ việc. Nhưng không hiểu sao, gia đình ông X. vẫn ngang nhiên xây dựng bình thường đến khi hoàn thiện công trình đưa vào sử dụng.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã Tú Sơn cho biết: Địa phương đã nắm bắt được sự việc và đã nhiều lần tiến hành hòa giải nhưng không thành. Việc bà Út tố cáo ông X. về hành vi giả mạo chữ ký không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND xã Tú Sơn. Việc ông X. hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xã không nắm được vì xã không lưu hồ sơ, trong khi ông Tiếp lại mới giữ cương vị chủ tịch nên cũng không nắm được.
Về việc xây dựng của gia đình ông X., xã đã 7 lần tổ chức cuộc họp thống nhất đình chỉ xiệc xây dựng. Sau đó, tổ chức lực lượng chức năng xuống hiện trường lập biên bản đình chỉ việc việc xây dựng.
Tuy nhiên, sau cuộc họp hòa giải lần thứ 7, hai bên không có ý kiến gì. Hơn nữa, ông X. xây dựng trong chỉ giới đất theo GCNQSDĐ được cấp, UBND xã lại chưa có cơ sở khẳng định ông X. vi phạm nên không thể đình chỉ việc xây dựng. Do đó, gia đình ông X. vẫn tiến hành việc xây dựng bình thường và hoàn thiện công trình đưa vào sử dụng.
Để tìm hiểu rõ sự việc, phóng viên đã liên lạc với ông Bùi Đức Thảo, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy đề nghị cung cấp thông tin. Sau đó, theo chỉ dẫn của ông Bùi Đức Thảo, phóng viên đã liên hệ và gửi văn bản đăng ký làm việc đến ông Quyết (Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kiến Thụy) và ông Tuyền (Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Kiến Thụy) nhưng vẫn chưa được cung cấp thông tin.
Được biết, Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy Đỗ Xuân Trịnh đã chỉ đạo Công an huyện tiến hành xác minh, làm rõ việc bà Út tố cáo ông X. lập văn bản, giả mạo chữ ký nêu trên.
Như vậy, việc bà Út tố cáo ông X. về hành vi lập văn bản, giả mạo chữ ký để chiếm đoạt đất công vẫn chưa được làm rõ. Trong khi đó, nơi nắm giữ hồ sơ (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kiến Thụy và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Kiến Thụy) có các thông tin liên quan đến việc tố cáo thì từ chối, chưa trả lời.
Kính đề nghị UBND huyện Kiến Thụy xem xét, xử lý dứt điểm vụ việc để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/hai-phong-mot-cong-dan-bi-to-gia-mao-giay-to-de-chiem-doat-dat-cong-a112644.html