Tiền tỷ trôi sông, dân kêu không thấu?

Một đoạn sông dài chỉ 5km nhưng có đến cả chục tàu cuốc đua nhau “xẻo thịt” khiến hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp của người dân trôi sông.

 Cận cảnh tàu cuốc khai thác cát làm sạt lở đất nông nghiệp của người dân

“Đi đêm” để bịt dân kiện

Mới đây, người dân xã Đôn Nhân (Sông Lô, Vĩnh Phúc) đã gửi đơn cầu cứu tới báo Tiền Phong về tình trạng khai thác cát đang làm sạt lở nghiêm trọng tại địa bàn xã này. Trong đơn thư, người dân cho biết, các doanh nghiệp khai thác ngày càng táo tợn hơn, số tàu cuốc được tăng liên tục, vượt quá so với quy định khiến 1 chiếc kè tiếp tục sạt lở.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Vĩnh Phúc, từ năm 2017 đến nay, xã Đôn Nhân có tới hơn 5.000m2 đất nông nghiệp của các hộ dân bị sạt lở.

Trước tình trạng trên, người dân xã Đôn Nhân cho biết, đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn không nhận được phản hồi. Trong một diễn biến khác, để “bịt” tình trạng người dân làm đơn khiếu kiện, vào tháng 2/2018 Cty CP Xây dựng & Đầu tư Phúc Lợi Hà Nội, một Cty đang khai thác cát tại xã Đôn Nhân đã “đi đêm” với người dân mỗi hộ 20 triệu đồng với nội dung là đền bù tiền hoa màu làm sạt lở.

Thu 1 đồng khai thác, phải chi 2 đồng xây kè

Liên quan tới vấn đề doanh nghiệp “đi đêm” với người dân, ông Nguyễn Văn Tất, Chủ tịch UBND xã Đôn Nhân cho biết, ông không nắm được thông tin này. Theo ông Tất, trước đây trên địa bàn xã Đôn Nhân có 6 đơn vị khai thác, bao gồm Cty CP ĐTXD Bắc Ái; Cty CP Xây dựng & Đầu tư Phúc Lợi Hà Nội, Cty Cổ phần & Chế biến Lâm khoáng sản Hoàng Phát; Cty TNHH vận tải và XD Vĩnh Phúc; Cty CP khoáng sản Đông Dương AVA; Cty TNHH Xây dựng & Phát triển hạ tầng Vân Hội, nhưng hiện chỉ còn Cty Phúc Lợi Hà Nội.

Số lượng tàu khai thác của Cty này thay đổi liên tục, có hôm vài ba cái, có hôm năm, bảy cái nên xã cũng không biết được bao nhiêu. Doanh nghiệp này đã dựa vào giấy phép để tổ chức khai thác không đảm bảo đúng thời gian khai thác đã cam kết; không thả phao định vị xác định rõ ranh giới điểm mỏ được cấp phép; không báo cáo số lượng tàu khai thác, không gắn biển Cty trên các phương tiện khai thác khoáng sản để tiện cho công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước và nhân dân… ông Tất cho hay.

Tại văn bản số 169/UBND-TNMT do ông Lê Đức Anh, Chủ tịch UBND huyện Sông Lô ký liên quan đến việc xử lý sự cố sạt lở đất nông nghiệp tại vị trí kè xã Đôn Nhân nêu rõ: “Qua kiểm tra thực tế cho thấy, nội dung đề nghị, phản ánh của nhân dân xã Đôn Nhân về việc khai thác cát, sỏi gây sạt lở đất nông nghiệp của nhân dân, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống đê kè trên địa bàn là có cơ sở. Cụ thể là năm 2015-2016, tại các điểm Bãi Soi của xã Đôn Nhân, đất canh tác bị sạt lở nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân”.

Tại báo cáo số 58/CCĐĐ - PCLB ngày 29/2/2016 gửi Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cũng nêu rõ, tại khu vực kè bối Đôn Nhân xuất hiện một cung sạt dài 62m, làm trượt đá lăng thể hộ chân kè được xây từ năm 2008. Riêng khu bờ tả sông cũng xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông với cung sạt dài 200m, lấn sâu vào đất nông nghiệp hơn 10m, nguyên nhân được xác định có liên quan đến hoạt động khoáng sản.

Thế nhưng, theo Sở NN&PTNT và Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc, nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng kè sụt lún, sạt lở là do khách quan (?!). Cụ thể, do điều tiết xả lũ trong mùa mưa bão của hệ thống hồ thủy điện Thác Bà (Tuyên Quang), làm mực nước sông Lô dao động với biên độ lớn, gây ra biến đổi dòng chảy tác động đến hệ thống đê kè.

Theo các đơn vị này từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn xã Đôn Nhân, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư xây dựng 4 dự án kè chống sạt lở với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2016-2018, UBND tỉnh đầu tư xây dựng một chiếc kè mới với ngân sách gần 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện đã có 2 kè bị sạt lở.

Theo thông tin PV Tiền Phong nắm được, trong vòng 10 năm qua, tổng nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn huyện Sông Lô phải nộp vào ngân sách khoảng 25 tỷ đồng. Số tiền này chỉ bằng một nửa số tiền UBND tỉnh đầu tư vào xây dựng hệ thống đê kè tại xã Đôn Nhân với chiều dài sông Lô chảy qua là 4,8 km.

Link nội dung: https://haiphong24h.org/tien-ty-troi-song-dan-keu-khong-thau-a113244.html