Còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết nguyên đán 2019 nhưng từ vài tháng trước, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, phân phối trên địa bàn TP HCM đã lên kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng Tết cũng như làm việc với các đối tác để bảo đảm hàng ra thị trường đúng tiến độ.
Hàng hóa dồi dào
Theo ghi nhận của phóng viên, các DN đã chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trị giá hơn 18.400 tỉ đồng cho 2 tháng trước và sau Tết Kỷ Hợi 2019, trong đó các DN bình ổn thị trường chiếm hơn 7.500 tỉ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 6-1-2019 đến 4-2-2019), tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là 10.800 tỉ đồng. Lượng hàng chuẩn bị tăng 13,2% - 16,9% so kế hoạch TP giao và tăng 23% - 36% so kết quả thực hiện Tết Mậu Tuất 2018. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối thị phần lớn như: thịt gia cầm (chiếm 55,2%), trứng gia cầm (51,1%), thực phẩm chế biến (33,6%), thịt gia súc (31,7%), dầu ăn (34,5%), gạo (29,3%)...
Không chỉ hàng thiết yếu, nhiều mặt hàng rau củ, trái cây cũng được doanh nghiệp cam kết giảm giá sâu trong những ngày cận Tết sắp tới |
Tại buổi đối thoại cùng chính quyền TP HCM chủ đề Bình ổn thị trường TP HCM do Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM tổ chức sáng 24-11, đại diện hệ thống phân phối, bà Nguyễn Ngọc Diện, quản lý cao cấp ngành thực phẩm Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op, cho biết hệ thống bán lẻ này đã chuẩn bị 3.000 tỉ đồng hàng hóa cho dịp Tết. Bên cạnh nhiệm vụ giữ giá một số mặt hàng trong danh mục hàng bình ổn mùa Tết như thịt heo, thịt - trứng gia cầm, gạo, đường, dầu ăn, Saigon Co.op còn giảm giá sâu khoảng 1.000 mặt hàng. Cùng với đó là 200 chuyến hàng lưu động từ nay đến Tết để phục vụ cho bà con ở những vùng có siêu thị Co.opmart, điểm bán thuộc Saigon Co.op.
Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) dự kiến sản lượng hàng Tết năm nay tăng 15% - 20% so với Tết 2018, trong đó thực phẩm tươi sống đạt 3.200 tấn, thực phẩm chế biến 2.800 tấn. Tổng giá trị hàng hóa công ty dự trữ cho đợt Tết năm nay là 800 tỉ đồng.
Cũng như mọi năm, dịp Tết sắp tới, các DN, đặc biệt là DN phân phối, bán lẻ sẽ tăng thời gian mở cửa bán hàng trong những ngày cận Tết, chỉ đóng cửa sau 12 giờ trưa ngày 30 Tết (một số siêu thị mở cửa bán xuyên Tết) và mở cửa bán hàng trở lại từ sáng mùng 2. Trong 2 ngày cận Tết, DN sẽ giảm giá sâu một số mặt hàng thiết yếu như thịt heo, trứng gà/vịt… để hỗ trợ người tiêu dùng thu nhập thấp đi sắm Tết muộn.
"Dập tắt" ngay biến động giá
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại Sở Công Thương TP HCM, cũng khẳng định hàng hóa phục vụ mùa Tết năm nay trên địa bàn rất dồi dào, đủ sức can thiệp thị trường bất cứ lúc nào trong trường hợp xảy ra biến động giá. "Sở Công Thương đã giao cho các ban quản lý chợ theo dõi kỹ, nếu có biến động giá cục bộ báo ngay cho Sở Công Thương và Sở Tài chính để điều xe bán hàng lưu động đến "dập tắt" ngay lập tức" - ông Phương thông tin.
Ông Phương cho rằng người dân TP HCM có thể yên tâm về chất lượng hàng bình ổn vì đã được các cơ quan nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Không chỉ bảo đảm lượng hàng cung ứng, các DN còn đầu tư nghiên cứu thêm sản phẩm mới cho mùa Tết và sẽ lần lượt tung ra thị trường từ giờ đến cuối năm.
TP HCM hiện có 239 chợ, 207 siêu thị, 43 trung tâm thương mại, 1.100 cửa hàng tiện lợi đang đóng góp tích cực vào việc bình ổn thị trường và đưa hàng bình ổn giá trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Về mạng lưới, tính đến nay 4 chương trình bình ổn thị trường của TP đã có tổng cộng 10.817 điểm bán, tăng 513 điểm so với năm 2017. Trong đó, 4.209 điểm bán hàng lương thực - thực phẩm bình ổn gồm 112 siêu thị, 554 cửa hàng tiện lợi, 938 điểm bán trong 131 chợ truyền thống, 2.605 điểm bán trong khu dân cư (gồm 1.011 điểm bán tại các quận ven, huyện ngoại thành và 19 điểm bán phục vụ công nhân tại 11 KCX-KCN).
"Phát triển điểm bán là tiêu chí quan trọng của chương trình bình ổn thị trường nên TP có những giải pháp hỗ trợ DN tìm, mở thêm điểm bán. Sở Công Thương đã trình UBND TP đề nghị các quận, huyện rà soát mặt bằng hoạt động không hiệu quả hoặc đang bỏ trống để giới thiệu cho DN tham gia chương trình bình ổn. Ở vùng sâu, vùng xa hoặc khu vực không thể phát triển được điểm bán thì chọn giải pháp bán hàng lưu động" - ông Phương nói thêm.
Theo ông Phương, từ nay đến Tết nguyên đán 2019, mỗi tháng trung bình có 130 chuyến hàng lưu động về các khu vực này; riêng 2 tháng cao điểm trước Tết thực hiện 344 chuyến.
Cung ứng hàng thiết yếu cho người dân Cần Giờ chống bão Liên quan đến cơn bão số 9, lãnh đạo TP HCM đã chỉ đạo Sở Công Thương và các DN bình ổn thị trường có phương pháp cung ứng hàng lương thực thực phẩm thiết yếu cho bà con Cần Giờ chống bão. "Sở Công Thương đã giao Co.opmart Cần Giờ chuẩn bị 1.000 kg gạo, 300 thùng mì gói, 800 lít nước đóng chai cùng một lượng lớn thực phẩm tươi sống, thuốc diệt côn trùng... Trong sáng 24-11, một xe hàng từ tổng kho Saigon Co.op đã xuất phát đi Cần Giờ để bổ sung cho Co.opmart Cần Giờ, sẵn sàng cung ứng lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân trong trường hợp bão đổ bộ" - ông Phương nói. |
Link nội dung: https://haiphong24h.org/hang-tet-da-san-sang-a114011.html