Chỉ định thầu chiếm 70%, nhiều bộ ngành "nói không" với đấu thầu qua mạng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có Báo cáo về tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu gửi Thủ tướng Chính phủ, theo đó nêu rõ gần 70% dự án đấu thấu vẫn ở việc chỉ định thầu.

Cụ thể, năm 2017, các bộ ngành của Việt Nam có khoảng 221.469 gói thầu, trong đó đấu thầu rộng rãi là hơn 30.900 gói thầu, chiếm 13,9%. Chỉ định thầu là 153.280 gói thầu, chỉ định thầu cho các nhà thầu trong nước chiếm 95%. Chào hàng cạnh tranh là hơn 21.000 gói thầu và mua sắm trực tiếp là hơn 4.000 gói thầu.

 Theo Bộ KH&ĐT, chỉ định thầu đang chiếm tỷ lệ cao nhất và nhiều Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ không muốn thực hiện đấu thầu qua mạng.

Tỷ lệ chỉ định thầu tại Việt nam hiện chiếm 69%,21%, với số vốn là hơn 72.600 tỷ đồng. Giá trị tiết kiệm của các gói thầu chỉ định thầu thấp nhất, chỉ đạt 1.900 tỷ đồng.

Về đấu thầu liên quan đến các dự án PPP (hợp tác công tư) trong đó có hình thức BOT (xây dựng, kinh doanh, chuyển giao), BT (xây dựng và chuyển giao đổi đất lấy hạ tầng) và BTO (xây dựng, chuyển giao, kinh doanh).

Bộ KH&ĐT khẳng định: Các dự án đấu thầu PPP của các bộ, ngành là 53 dự án, trong đó đấu thầu rộng rãi chỉ chiếm 18 dựa án, chỉ định thầu là 31 dự án, lựa chọn nhà đầu tư là 4 dự án.

Mặc dù có nhiều cải thiện về chất lượng đấu thầu và tỷ lệ đấu thầu qua mạng tăng nhanh, tuy nhiên Bộ KH&ĐT khẳng định, tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu năm 2017 giảm so với năm 2016.

Vẫn còn bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế Nhà nước chưa sát sao và quan tâm đến hiệu quả công tác đấu thầu, chưa chỉ đạo quyết liệt để nâng cao hiệu quả đấu thầu, hạn chế chỉ định thầu.

Bộ KH&ĐT khẳng định: Những hành vi tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu tuy được chấn chỉnh nhưng những tồn tại và diễn biến phức tạp vẫn còn.

"Nhiều nơi cố tình chia nhỏ gói thầu để áp dụng chỉ định thầu hoặc hình thức kém cạnh tranh hơn đấu thầu rộng rãi", Bộ KH&ĐT cho biết.

Bộ KH&ĐT cho biết: Hiện nhiều nơi cản trở việc mua và nộp hồ sơ dự thầu của nhà thầu như dùng nhiều lý do để hạn chế bán hồ sơ mời thầu, cướp, hủy hoại hồ sơ dự thầu; địa điểm phát hành hồ sơ không rõ ràng, không theo thông báo mời thầu, mời chào hàng.

Đặc biệt, hành vi cản trở cuộc thầu như: Cố tình bỏ giá thấp, kiến nghị liên tục, không xác đáng đến các cấp để gây áp lực cho chủ đầu tư, bên mời thầu...

Quan trọng hơn, trong 63 tỉnh thành có 16 địa phương không thực hiện gói đấu thầu nào qua mạng; 14 tỉnh thành chỉ thực hiện đấu thầu qua mạng dưới 1%.

Trong 37 bộ, ngành và cơ quan ngang bộ chỉ có 3 bộ, ngành và cơ quan ngang bộ áp dụng đấu thầu qua mạng, còn 15 đơn vị không thực hiện đấu thầu qua mạng nào...

Bộ KH&ĐT khẳng định: Điều này phản ánh sự thiếu quan tâm và trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Nhà nước dẫn đến làm giảm hiệu quả, tính minh bạch, cạnh tranh trong công tác đấu thầu.

Cụ thể, có 41 đơn vị bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương không thực hiện đấu thầu qua mạng, trong đó nổi bật là: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường... Các tập đoàn như Cao su, Dệt may, Hóa chất, Đường sắt, Tổng công ty lương thực và Tổng công ty Thép Việt Nam. Các địa phương như: Hải Dương, Bình Phước, Nam Định, Nghệ An, Yên Bái...

Link nội dung: https://haiphong24h.org/chi-dinh-thau-chiem-70-nhieu-bo-nganh-noi-khong-voi-dau-thau-qua-mang-a114102.html