5 dự án đường sắt đô thị đội vốn thêm 132.000 tỷ đồng. |
Xin bố trí vốn cho loạt dự án đường sắt đô thị
Bộ GTVT vừa có báo cáo gửi lãnh đạo Chính phủ liên quan đến tình hình thực hiện các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải. Trong đó có báo cáo chi tiết về tình hình tiến độ các dự án đường sắt.
Cụ thể, Bộ GTVT cho biết hiện đường sắt có 7 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 195.444 tỷ đồng.
Trong đó, có tiểu dự án đường sắt Hạ Long – Cái Lân với tổng mức đầu tư 1,511 tỷ đồng (thuộc dự án đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Còn lại 5 dự án đang thực hiện với tổng mức đầu tư 168.244 tỷ đồng, bao gồm: Tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên; Tuyến số 2 Bến Thành – Tham Lương; 3 là Cát Linh – Hà Đông; 4 là Nhổn – Ga Hà Nội, 5 là tuyến Yên Viên – Ngọc Hồi.
1 dự án đang dừng giãn tiến độ đó là tuyến Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân, tổng mức đầu tư là 7.664 tỷ đồng; 1 dự án chuẩn bị khởi công là tuyến số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo tổng mức đầu tư là 19.555 tỷ đồng.
Đối với 5 dự án đang thực hiện, Bộ GTVT đã nêu tình hình thực hiện cũng như vướng mắc cụ thể ở từng dự án.
Thứ nhất, tại dự án đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên (khởi công từ tháng 8/2012, dự kiến hoàn thành trong năm 2020): Đến nay, giá trị sản lượng đạt 56,9%, dự án chưa được ghi kế hoạch vốn năm 2018, hiện đang thanh toán từ vốn tạm ứng ngân sách TP.HCM 1.000 tỷ đồng trong khi chờ Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Trên cơ sở kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 24, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Ban cán sự Đảng Chính phủ về dự thảo báo cáo xin ý kiến về điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến 1,2.
Tại dự án đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến số 2 Bến Thành – Tham Lương (khởi công tháng 8/2010, dự kiến điều chỉnh hoàn thành trong năm 2024): Dự án có 9 gói thầu, trong đó gói thầu CP1 đang nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, các gói thầu còn lại đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu.
Tuy nhiên theo Bộ GTVT, tại dự án này các gói thầu chưa thể triển khai do đang vướng mắc về điều chỉnh dự án và nguồn vốn cho dự án. Mặc khác chính sách GPMB của nhà tài trợ ADB chưa thống nhất được với chủ đầu tư. UBND TP.HCM đang làm việc với ADB để thống nhất áp dụng cơ chế Việt Nam.
Tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Bộ GTVT cho biết đã hoàn thành 96% khối lượng xây lắp, riêng vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường đạt khoảng 95% và lắp đặt đạt 83% khối lượng; đã vận hành và chạy thử các đoàn tàu ngày 20/9/2018 để tiến tới chạy khai thác thương mại.
Ở dự án đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội (tuyến số 3): Khởi công tháng 9/2010, theo kế hoạch, dự án dự kiến được hoàn thành vào cuối năm 2018. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, tổng tiến độ mới chỉ đạt 46% và dự kiến kéo dài đến cuối năm 2022. Hiện nay, UBND TP Hà Nội đã có văn bản báo cáo Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Cuối cùng là dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên – Ngọc Hồi): Giai đoạn I từ 2012 – 2024 đã được điều chỉnh tiến độ, thực hiện từ 2017 – 2024; giai đoạn IIA từ 2012 – 2020.
Bộ GTVT cho biết hiện nay Bộ đã hoàn thiện các thủ tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2018. Khó khăn chính của dự án hiện nay là việc bố trí nguồn vốn cho công tác GPMB chưa đáp ứng được yêu cầu.
Trong báo cáo, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ xem xét giải quyết vướng mắc đối với từng dự án.
Riêng liên quan đến công tác bố trí vốn, đối với các dự án đường sắt đô thị cần thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư, hiện chưa bố trí kế hoạch vốn năm 2018, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giải quyết tạm ứng vốn để tiếp tục triển khai dự án và đảm bảo việc thanh toán cho nhà thầu.
Chậm tiến độ, "đội" vốn khủng
Báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, các dự án đường sắt đô thị đều gặp phải vấn đề về “đội” vốn, chậm tiến độ. Trong một báo cáo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện gửi tới Chính phủ và các bộ ngành khác mới đây cũng cho thấy tình trạng này.
Điển hình như Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo tăng từ 19.555 tỷ đồng lên 51.750 tỷ đồng, sau khi thẩm định đang đề nghị điều chỉnh xuống còn 33.568 tỷ đồng.
Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TPHCM tuyến 1, đoạn Bến Thành - Tham Lương vay nguồn Đức, ADB, EIB dự kiến tăng từ mức 26.116 tỷ đồng lên 47.603 tỷ đồng.
Đặc biệt, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông tăng từ 8.769 tỷ đồng lên 18.000 tỷ đồng. Hay như dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội vay Pháp, ADB, EIB tăng tổng mức đầu tư từ 783 triệu EUR lên 1.176 triệu EUR.
Tuyến đường sắt đô thị số 1, 2 TPHCM và tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo của Hà Nội hiện vẫn đang trong quá trình điều chỉnh dự án.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng tổng mức đầu tư của dự án là do kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng dẫn tới phát sinh thêm chi phí. Ngoài ra, năng lực tư vấn kém cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên…
Link nội dung: https://haiphong24h.org/loat-du-an-duong-sat-do-thi-doi-von-khung-bo-gtvt-xin-tam-ung-a114436.html