Tạm dừng bổ nhiệm lãnh đạo địa phương để sáp nhập quận, huyện

Bộ Chính trị đề nghị từ nay đến năm 2021, các địa phương phải cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các huyện, xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích và dân số.

 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết 37 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.

Quận huyện chưa đạt 50% yêu cầu về diện tích, dân số phải hoàn thành việc sáp nhập vào 2021

Nghị quyết nhấn mạnh mục tiêu nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước.

Đồng thời, bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Theo tinh thần của Nghị quyết, từ nay đến năm 2021, các quận huyện, phường xã, thị trấn chưa đạt 50% về 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số phải cơ bản hoàn thành việc sáp nhập.

Bên cạnh đó, khuyến khích các tỉnh thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khác theo yêu cầu của địa phương, khi bảo đảm yếu tố thuận lợi và được phần lớn nhân dân đồng thuận.

Từ năm 2022 đến năm 2030, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện giai đoạn 2019-2021, xác định lộ trình thực hiện để đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính.

Sắp xếp bộ máy, tạm dừng bổ nhiệm lãnh đạo địa phương

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Nghị quyết của Bộ Chính trị đưa ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp, trước hết là rà soát, bổ sung, hoàn thiện hoặc ban hành mới các văn bản liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm đồng bộ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của hầu hết nhân dân.

Đồng thời, rà soát, bổ sung, hoàn thiện hoặc ban hành mới các văn bản quy định pháp luật về sắp xếp tổ chức bộ máy; bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các chế độ, chính sách cho những đối tượng bị tác động khi thực hiện sắp xếp.

Nghị quyết cũng nêu rõ việc tạm dừng việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với những địa phương trong kế hoạch thực hiện việc sắp xếp; xây dựng và phê duyệt quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính của quốc gia và từng địa phương phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội...

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu đề cao trách nhiệm, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong tổ chức triển khai thực hiện. Coi kết quả thực hiện là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu.

Một giải pháp khác được đưa ra là xây dựng khung danh mục vị trí việc làm để các địa phương tiến hành xây dựng vị trí việc làm, từ đó có lộ trình thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cho phù hợp với thực tế.

Theo tinh thần của Nghị quyết, các địa phương được bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ trong việc xây dựng đề án và thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, hiện cả nước có 588/713 đơn vị hành chính cấp huyện (chiếm 82,47%) chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích, dân số theo Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong đó, có 259 đơn vị (chiếm 36,33%) chưa đạt 50% của 1 trong 2 tiêu chuẩn diện tích hoặc dân số; có 18 đơn vị (chiếm 2,52%) đồng thời chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn diện tích và dân số.

Có 9.434/11.162 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 84,51%) chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích, dân số. Trong đó 6.191 đơn vị (chiếm 55,46% chưa đạt 50% của 1 trong 2 tiêu chuẩn diện tích hoặc dân số; có 637 đơn vị (chiếm 5,71%) đồng thời chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn diện tích và dân số.

 

 

 

Link nội dung: https://haiphong24h.org/tam-dung-bo-nhiem-lanh-dao-dia-phuong-de-sap-nhap-quan-huyen-a115488.html