Nhiều triển vọng với doanh nghiệp cảng biển năm 2019

Với việc Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và việc áp dụng khung giá dịch vụ cảng biển mới với nhu cầu vận chuyển ngày một tăng, năm 2019 được đánh giá sẽ là một năm đầy triển vọng của các doanh nghiệp cảng biển.

cảng biển

 Năm 2019, các doanh nghiệp cảng biển sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nhờ có sự tăng khung giá dịch vụ cảng biển. Ảnh: Hồng Nụ.

Sự dịch chuyển thúc đẩy đơn hàng tăng

Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), tính đến tháng 12/2018, đội tàu biển Việt Nam có 1.593 tàu, tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu DWT, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới. Trong đó, đội tàu container tăng từ 19 tàu (năm 2013) lên 41 tàu trong (năm 2018), tăng bình quân khoảng 20%/năm.

Năm 2018, tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam thực hiện ước đạt 144,6 triệu tấn, khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt hơn 153 triệu tấn.km, tăng 10,9% so với năm 2017, chiếm tỷ trọng 55,6% trong tổng lượng hàng hóa luân chuyển của tất cả các phương thức vận tải.

Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện đã đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời… Đối với vận tải biển quốc tế, đội tàu container Việt Nam hoạt động chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn Đông Nam Á và Đông Bắc Á, một số tàu hàng rời đã vận tải hàng hóa trên các tuyến châu Âu.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Marketting Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Thương mại LINKKK cho biết, nối tiếp từ năm 2018, năm 2019, các doanh nghiệp cảng biển sẽ tiếp tục được kế thừa một số lợi ích từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Theo phân tích của ông Tuấn, trong cuộc chiến tranh thương mại này, xu hướng dịch chuyển các mặt hàng đang tạo điều kiện cho việc thúc đẩy nhu cầu vận chuyển từ quốc tế đến Việt Nam. Nhờ đó, cũng tăng trưởng lượng container thông quan, do tăng lượng hàng được vận chuyển qua cảng biển.

“Theo tính toán của chúng tôi, trong quý I, đơn hàng vận tải biển của chúng tôi đã tăng từ 10-20% so với cùng kỳ năm trước nhờ sự dịch chuyển trên”, ông Tuấn cho biết thêm.

Xây dựng chuỗi dịch vụ khép kín

Đánh giá về tiềm năng phát triển của ngành cảng biển, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, bắt đầu từ năm 2019, Thông tư 54/2018/TT-BGTVT về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, sử dụng cầu, bến, phao neo, bốc dỡ container tại cảng biển Việt Nam của Bộ Giao thông vận tải sẽ được áp dụng, qua đó đã điều chỉnh khung giá một loạt dịch vụ tại cảng biển Việt Nam, trong đó có dịch vụ bốc dỡ container. Theo đó, giá sàn theo quy định mới sẽ cao hơn 10% so với giá sàn hiện tại (bằng với giá thị trường do cung vượt cầu) cho các cảng biển phía Bắc (không bao gồm HICT ở Lạch Huyện). Điều này phá vỡ xu hướng giảm giá dịch vụ do cạnh tranh khắc nghiệt ở khu vực này. Ở khu vực miền Nam, khung được giữ nguyên, ngoại trừ các bến tại Cái Mép – Thị Vải (được tăng 13% mỗi TEU).

VDSC cũng cho rằng, cụm cảng nước sâu ở Cái Mép - Thị Vải (Vũng Tàu) dự kiến sẽ trở thành cửa khẩu container quan trọng ở khu vực phía Nam. Sau một thời gian dài với hiệu suất hoạt động thấp, trên thực tế, khối lượng container năm 2017 tại khu vực này đã tăng gấp ba so với 2011 và đạt 2,4 triệu tấn, chiếm khoảng 20% sản lượng container của Việt Nam.

Với đặc điểm của một cụm cảng nước sâu, khu vực này có lợi thế có thể tiếp nhận các tàu trọng tải lớn đến 200.000 DWT. Trong xu hướng các hãng luôn muốn sử dụng các tàu có kích thước lớn để vận chuyển hàng hóa, VDSC cho rằng nhu cầu tại khu vực này sẽ khả quan trong vài năm tới.

Đánh giá về những tiềm năng và lợi thế mà những doanh nghiệp cảng biển có thể nhận được trong năm 2019, ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Công ty TNHH Vietsand cho rằng, năm 2019, nhờ có sự tăng khung giá dịch vụ cảng biển các doanh nghiệp cảng biển sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. “Ngoài việc tiếp tục tập trung khai thác thị trường vận tải nội địa bằng đường biển sẽ tiếp tục được công ty đẩy mạnh, thì trong năm 2019, Công ty có kế hoạch liên kết với một số doanh nghiệp cảng biển khác để kết nối xây dựng chuỗi logistics khép kín cho tuyến vận tải ngắn Đông Nam Á và Đông Bắc Á thay vì việc chỉ cung cấp dịch vụ cho một số công đoạn ban đầu (đóng gói, cho thuê kho bãi, làm dịch vụ hải quan) như hiện nay. Đây sẽ là nhiệm vụ chính và lâu dài trong thời gian tới của Công ty”, ông Thế Anh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Giám đốc Công ty TNHH Vietsand cũng lo lắng về việc khai thông luồng lạch tại một số cảng biển hiện nay. Bởi việc luồng hàng hải không đạt độ sâu so với chuẩn thiết kế khiến doanh nghiệp gặp khó trong vận chuyển.

Link nội dung: https://haiphong24h.org/nhieu-trien-vong-voi-doanh-nghiep-cang-bien-nam-2019-a115588.html