Ông Trần Hữu Linh nói tại buổi họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 18/1.
Theo ông Linh, từ 12/10, Tổng cục Quản lý thị trường chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên, việc thành lập Tổng cục không phải là cuộc chuyển đổi bình thường, mà là hình thành bộ máy mới và nâng cấp bộ máy cũ lên.
“Các Chi cục Quản lý thị trường trước đây thuộc Sở Công Thương các địa phương, nay nâng cấp thành Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương. Như vậy chuyển từ ngành ngang ở địa phương lên ngành dọc của Bộ Công Thương. Do vậy, tất cả các chức danh lãnh đạo từ Tổng cục trưởng đến Tổng cục phó, Cục trưởng, Cục phó… đều là bổ nhiệm mới hoàn toàn”, ông Linh nói.
Vẫn theo ông Linh, việc bổ nhiệm các chức danh mới phải làm lại, từ quy hoạch cán bộ, giới thiệu nhân sự, hiệp y, rồi mới bổ nhiệm. Quy trình rất chặt chẽ. Trong đó, một trong những điều kiện tiên quyết là phải có tổ chức Đảng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh. (Ảnh: H.H) |
“Vì vậy, ngay sau khi Tổng cục Quản lý thị trường được thành lập, Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án thành lập tổ chức Đảng của Quản lý thị trường. Đề án đã trình lên Thường trực Ban Bí thư và được Thường trực Ban Bí thư đồng ý áp dụng thống nhất trong toàn lực lượng”, ông Linh cho biết thêm.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường thông tin thêm, trong 3 tháng qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để kiện toàn tổ chức Đảng và đến nay đã có 35/63 đảng bộ Quản lý thị trường tại các địa phương được thành lập.
“Hiện Bộ Công Thương bắt đầu triển khai quy trình bổ nhiệm cán bộ các cấp. Trước đó, Bộ cũng đã hướng dẫn cụ thể cho các Cục Quản lý thị trường các địa phương về quy trình xây dựng quy hoạch cán bộ. Việc này Cục nào xong trước sẽ làm trước. Chúng tôi cố gắng trong quý 1 và quý 2 sẽ hoàn thiện bộ máy nhân sự”, ông Linh nói.
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Linh cho hay từ khi Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương có hiệu lực, Bộ Công Thương đã đặt ra ưu tiên trước mắt là làm tốt công tác bàn giao các Chi cục Quản lý thị trường từ địa phương về trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường của Bộ Công Thương. Tiếp đó, sẽ ổn định tổ chức để không làm gián đoạn hoạt động chuyên môn ở 63 địa phương.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/nong-chuyen-nhan-su-tong-cuc-quan-ly-thi-truong-a116099.html