Tăng điểm số chỉ sau vài tháng
Trong vai một phụ huynh có con đang học một trường công lập nhưng do áp lực điểm số thi cử học kì, muốn đổi sang trung tâm khác, tôi tìm đến một trung tâm ngoại ngữ ở khu vực Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội.
Hường - nhân viên tư vấn Marketing của trung tâm xởi lởi cho hay: “Đúng là nếu học theo lộ trình, học sinh phải mất từ 6-10 năm mới vững chắc tiếng Anh. Nhưng đáp ứng nhu cầu của nhiều phụ huynh, chúng em khuyên chị nên chọn cho con học giáo viên Philippines, đảm bảo chỉ sau một vài tháng, chắc chắn con sẽ có cải thiện về điểm số”.
Nhân viên này cũng cho hay, trung tâm gặp không ít phụ huynh như tôi.
“Nhiều phụ huynh sợ con bị “rơi” lại cuối lớp nên cũng có nhu cầu giống chị”, Hường nói.
Theo Hường, hiện ở trung tâm có 50% giáo viên bản ngữ và 50% giáo viên Philippines nhưng cô đều khuyên các gia đình muốn con gấp rút tăng điểm số, lựa chọn giáo viên Philippines. Nếu giáo viên bản ngữ dạy theo đúng lộ trình và chú ý nhiều vào các kĩ năng nghe nói thì đội ngũ giáo viên Philippines “rất thông minh”, hiểu được mong muốn của phụ huynh, dạy “nhiệt” và biết cách để học sinh tăng điểm số trên lớp.
Với lời quảng cáo khá hấp dẫn, tôi tìm đến một trung tâm khác ở đường Láng Hạ, Hà Nội. Nhân viên ở đây cho hay, trung tâm dạy đồng thời 4 kĩ năng: Nghe, nói, đọc, viết.
Trước những hạn chế trong chương trình tiếng Anh ở cấp phổ thông hiện nay, nhiều gia đình đổ xô tìm trung tâm cho con học thêm (Ảnh: Minh họa). |
“Trung tâm chủ yếu là giáo viên bản ngữ, họ chú trọng chủ yếu về giao tiếp. Tuy nhiên, nhiều gia đình muốn con “đi đường tắt” để tăng điểm số nên trung tâm sẽ có lưu ý ưu tiên với giáo viên đối với các học sinh này, có thể giao nhiều bài tập hơn, bổ túc và bồi dưỡng thêm về ngữ pháp”, nhân viên này khẳng định.
Theo nhân viên này, khóa học mà tôi yêu cầu có giá khoảng 1,8 triệu/tuần, mỗi tuần hai buổi, mỗi buổi 1,5 tiếng. Nếu đóng gói 108 buổi thì chỉ khoảng 188.000 đồng/buổi.
Đây không phải trung tâm duy nhất trên địa bàn Hà Nội sẵn sàng cam kết giúp các con tăng điểm số ở trường. Bắt kịp theo nhu cầu của bố mẹ, nhiều trung tâm sẵn sàng đầu tư luyện ngữ pháp, từ vựng cho trẻ ngay từ khi bắt đầu chương trình, bất luận lộ trình đưa ra như thế nào.
Chăm luyện ngữ pháp: Cách học tiếng Anh “chết”
Chia sẻ với PV Dân trí về việc học tiếng Anh của học sinh phổ thông mới đây, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội từng cho rằng, chương trình tiếng Anh ở các trường phổ thông hiện nay tập trung chủ yếu hai kỹ năng đọc và viết.
“Chính vì tập trung hai kĩ năng này nên lâu nay, học sinh Việt Nam “đầu đầy chữ” làm bài rất ổn, ngữ pháp rất tốt nhưng khi đứng trước người nước ngoài lại không nói được, nghe không hiểu. Học sinh chúng ta học rất nhiều về ngoại ngữ nhưng như vậy là chưa hiệu quả”, ông Tiến chia sẻ.
Nhiều học sinh có thể điểm số rất cao nhưng không giao tiếp được bằng tiếng Anh (Ảnh: Minh họa) |
Ông Tuấn Hải (nhà sáng lập trường Eton Grammar School, cựu sinh viên Đại học Princeton, Mỹ) cho biết, việc học tiếng Anh bắt đầu từ ngữ pháp và từ vựng không phải sai.
Theo chuyên gia này, cái sai nằm trong cách học và các nội dung học của hai thứ này khi nó không nhắm vào việc phục vụ các kỹ năng thực hành.
Sai thứ nữa là kỹ năng nghe đã không được lấy làm gốc rễ cho việc học tiếng Anh. Để từ đó, người học có thể phát âm tốt và phát huy khả năng bắt chước khi nói tiếng Anh.
“Việc các cha mẹ chăm chú cho con luyện các bài tập ngữ pháp để phục vụ kiểm tra trên lớp và thi cử các cấp, thực sự đang góp phần tạo ra một thế hệ người học tiếng Anh như là một ngôn ngữ “chết” chứ không phải là một sinh ngữ như nó vốn vậy.
Thạc sĩ giáo dục Phạm Thị Cúc Hà, Giám đốc Hệ thống giáo dục Just Kids, Phó Chủ tịch HĐQT Trường Hanoi Adelaide School cũng thừa nhận: “Hiện nhiều nơi dạy kiểu “ăn xổi ở thì”, tập trung quá vào ngữ pháp, quy tắc... mà không phải khơi gợi việc dùng ngôn ngữ để thể hiện ý tưởng của bản thân.
Chính điều này tạo ra những học sinh biết nói tiếng Anh, chứ không phải giao tiếp được bằng Tiếng Anh. “Về lâu dài, sẽ hạn chế khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh và người học chỉ học thuộc các câu trả lời như thi IELTS hiện nay của phần lớn học sinh Việt Nam.
Điểm số của các em có thể rất cao vì các câu hỏi quay đi quay lại, học thuộc thật nhiều và ghép chúng nhưng khi sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp hay công việc thì không làm được bởi người học không có thói quen "dùng" tiếng Anh thật sự để giao tiếp ý tưởng của mình”, bà Cúc Hà cho biết.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/bat-tre-nhoi-ngu-phap-tieng-anh-vi-cuoc-dua-diem-chac-cua-bo-me-a117926.html