Trình bày tại phiên họp, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết có 2 luồng ý kiến khác nhau về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN. Luồng ý kiến thứ nhất đồng tình và nhấn mạnh sự cần thiết bổ sung để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN. Luồng ý kiến thứ hai thì cho rằng chỉ các cơ quan quản lý nhà nước mới có quyền hạn xử phạt vi phạm hành chính mà KTNN không phải là cơ quan quản lý nhà nước. Ông Phớc nhấn mạnh quy định nếu được bổ sung thì chỉ áp dụng xử phạt với hành vi chống đối nộp hồ sơ của cơ quan ngoài nhà nước chứ không phải đối với đối tượng cán bộ công chức.
Ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước, phát biểu tại phiên thảo luận về dự án luật. Ảnh: QUOCHOI.VN |
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh đối tượng chịu sự kiểm toán là các công chức, công vụ, nếu vi phạm quy định liên quan kiểm toán, kế toán thì phải xử lý trách nhiệm bằng kỷ luật. Ông băn khoăn khi một hành vi vi phạm mà phải chịu 2 hình thức xử lý gồm kỷ luật và xử phạt hành chính thì có hợp lý hay không. "Vi phạm bị xử lý kỷ luật, nghiêm trọng hơn thì truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không phải xử phạt hành chính" - ông Lưu đặt vấn đề.
Dự thảo luật cũng sửa đổi theo hướng KTNN cũng có thể bị kiện ra tòa. Theo ông Hồ Đức Phớc, để tạo cơ sở pháp lý cho tất cả cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, kiến nghị về kết quả kiểm toán, cơ quan soạn thảo đã đề xuất sửa đổi lại điều 7 theo hướng bổ sung quyền kiến nghị, khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến việc sử dụng, quản lý tài chính công, tài sản công.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/ban-khoan-viec-kiem-toan-nha-nuoc-duoc-xu-phat-hanh-chinh-a117999.html