Cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup khởi động hai phiên giao dịch đầu tuần khá thuận lợi với mức tăng nhẹ 0,25% lên 118.600 đồng, mức giá cao nhất lịch sử của mã này (theo giá điều chỉnh).
Ở mức giá này, VIC đã đạt mức tăng hơn 4% tương đương 4.600 đồng mỗi cổ phiếu kể từ đầu tháng 3 và tăng rất mạnh với biên độ tăng hơn 14% (14.600 đồng/cổ phiếu) so với 1 tháng trước đó.
Theo đó, tài sản cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Vingroup cũng gia tăng theo, đạt 221.211 tỷ đồng. Ông Vượng hiện đang sở hữu trực tiếp 876 triệu cổ phiếu VIC và còn sở hữu gián tiếp trên 989,18 triệu cổ phiếu này thông qua 92,88% cổ phần tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.
Tài sản ông Phạm Nhật Vượng tăng rất mạnh trong 1 tuần qua (ảnh chụp màn hình) |
Thống kê của tạp chí Forbes cho thấy, đến ngày 12/3, tổng giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng ở mức 7,9 tỷ USD, xếp thứ 196 trong danh sách người giàu thế giới. Theo đó, ông Vượng đã thăng hạng nhanh chóng tới 43 bậc so với thời điểm Forbes công bố danh sách người giàu thế giới 2019 chỉ cách đây ít ngày (5/3) và giá trị tài sản của ông Vượng cũng tăng tới 1,3 tỷ USD.
Vingroup vừa công bố tài liệu trình đại hội đồng cổ đông bất thường thông qua chào bán riêng lẻ 250 triệu cổ phiếu phổ thông cho tối đa 5 tổ chức nước ngoài. Mức giá chào bán trên 100.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị huy động tối thiểu đạt 25.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).
Mức giá phát hành cụ thể sẽ do Hội đồng quản trị quyết định dựa trên tiêu chí đã được thông qua. Thời gian chào bán dự kiến trong năm 2019, có thể là quý II, quý III hoặc quý IV, thời gian cụ thể sẽ do HĐQT quyết định.
Cổ phần được chào bán thành công trong đợt chào bán này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp chuyển nhượng theo quyết định của Tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.
Việc chào bán cổ phần phổ thông như phương án nêu trên nhằm giúp Vingroup có thêm nguồn vốn chủ sở hữu để đầu tư góp vốn vào các công ty con; thanh toán các khoản nợ gốc, lãi các khoản vay đến hạn; bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh của Vingroup và các công ty con…
Cụ thể, từ nguồn vốn huy động được, Vingroup dự kiến sẽ dùng 6.000 tỷ đồng để đầu tư cho các công ty con trong lĩnh vực công nghiệp - công nghệ là VinFast, Vinsmart và VinTech; 10.000 tỷ đồng trả nợ gốc và lãi; 4.000 tỷ đông để chi trả chi phí đầu tư tài sản 2019, 2020; 5.000 tỷ đồng còn lại dùng cho các hoạt động kinh doanh và cấp vốn ngắn hạn cho tập đoàn và các công ty con.
Trên thị trường chứng khoán phiên giao dịch 12/3, đà tăng của các chỉ số tiếp tục được nới rộng đáng kể. VN-Index kết phiên với mức tăng 16,72 điểm tương ứng 1,7% lên 1001,32 điểm và HNX-Index cũng tăng mạnh 1,23 điểm tương ứng 1,14% lên 109,55 điểm.
Thanh khoản thị trường cải thiện rõ rệt với 208,19 triệu cổ phiếu giao dịch trên HSX tương ứng 4.802,34 tỷ đồng và 50,56 triệu cổ phiếu giao dịch trên HNX tương ứng 560,01 tỷ đồng.
Link nội dung: https://haiphong24h.org/chi-1-tuan-tai-san-ong-pham-nhat-vuong-da-tang-toi-13-ty-usd-a118058.html