Hành vi lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử không phải là bản chất người Việt Nam

Trước thực trạng văn hóa ứng xử của một bộ phận người Việt Nam chưa chuẩn mực đang diễn ra hàng ngày trong đời sống xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây không phải là bản chất của người Việt Nam, tuy nhiên cũng cần sớm có biện pháp khắc phục.

xHội thảo "Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 16/3, tại Hà Nội trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2019. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự và phát biểu chỉ đạo hội thảo.

 Quang cảnh Hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia phát biểu xoay quanh các nội dung như: Xác định một cách rõ nét những đặc điểm chung của văn hóa ứng xử của con người Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện nay; phân tích thực trạng văn hóa ứng xử trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và vai trò của báo chí trong việc lan tỏa những thông điệp để hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử; nêu những bài học kinh nghiệm trong quá trình tuyên truyền những tấm gương người tốt việc tốt, phê phán cái xấu trong xã hội; những kinh nghiệm phổ biến, lan tỏa vẻ đẹp của ứng xử văn hóa tới công chúng trong xã hội hiện nay; đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả của các cơ quan báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử trong giai đoạn sắp tới.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy: Văn hóa ứng xử là sự thể hiện triết lý sống, lối suy nghĩ, lối hành động của một cộng đồng người trong việc ứng xử và mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, với xã hội.

 Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy.

Văn hóa ứng xử nói chung được thể hiện ở các lĩnh vực cuộc sống: Lối sống, lý tưởng, niềm tin, tình yêu nghề nghiệp, văn hóa chấp hành luật pháp, nội quy, quy định trong nhà trường; văn hóa thực hiện công vụ; văn hóa giao tiếp; văn hóa ăn mặc, sức khỏe, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp, trình độ xã hội; việc ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Bản chất của văn hóa là ứng xử đạo đức, tình cảm, là lý trí và sự nhẫn nhịn, nhường nhịn.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao hội thảo; cho rằng đây là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng văn hóa con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước.

Theo Phó Thủ tướng, văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần, động lực phát triển kinh tế xã hội. Báo chí là một bộ phận của văn hóa, báo chí sáng tạo, phổ biến, lưu truyền văn hóa. Mỗi một tác phẩm báo chí là một sản phẩm văn hóa, mỗi nhà báo là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu kết luận Hội thảo.

Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng nêu lên thực trạng văn hóa ứng xử chưa chuẩn mà ai cũng có thể nhìn thấy được của một bộ phận người Việt Nam, điển hình như: Chen lấn khi tham gia giao thông, xếp hàng hay xả rác bừa bãi, không có thói quen giữ gìn vệ sinh công cộng...

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, hành vi chưa chuẩn nói trên không phải bản chất của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.

"Những hành vi không chuẩn như chúng ta thấy, đó không phải là bản chất của dân tộc Việt Nam ta. Bởi, từ nghìn đời nay dân tộc Việt Nam đã có truyền thống văn hiến, nếu chúng ta không có một nền văn hóa, một nền văn hiến rực rỡ thì chúng ta đã bị đồng hóa mất rồi và chúng ta không thể thắng được thiên tai, địch họa để có một đất nước, một cơ đồ như ngày hôm nay" - Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, muốn cho văn hóa thấm sâu vào quần chúng, ngoài kết hợp những lý thuyết về truyền thông hiện đại, báo chí còn phải tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa để thể hiện tốt những thông tin tuyên truyền về văn hóa ứng xử.

Các nhà báo, nhà văn hóa phải kết hợp với nhau để có những tác phẩm báo chí, sản phẩm tuyên truyền chất lượng, cổ động giá trị văn hóa ứng xử chuẩn mực.

Phó Thủ tướng mong sau hội thảo có nhiều hoạt động tiếp theo trong chủ đề này được thực hiện, trong đó việc tuyên truyền phải kiên trì, liên tục. Hình thành chuẩn mực đã quan trọng, để thay đổi hành vi văn hóa ứng xử càng quan trọng, các bộ, ban ngành nên bắt tay tạo một sự chuyển biến trong văn hóa, bắt đầu từ việc khắc phục thói quen văn hóa ứng xử chưa tốt.

Phó Thủ tướng kêu gọi các báo, đài, các địa phương hình thành các chuyên mục; tăng lượng bài viết về hành vi ứng xử văn hóa, hướng vào những việc làm cụ thể để tăng sức lan tỏa trong xã hội.

Các cơ quan báo chí truyền thông kết hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chức năng liên quan có những động viên tác giả, chuyên mục đề cao chuẩn mực văn hóa. “Nếu làm được như vậy, công cuộc xây dựng nền văn hóa phát triển con người Việt Nam sẽ đạt được kết quả tốt, sự phát triển của đất nước mới ổn định”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Link nội dung: https://haiphong24h.org/hanh-vi-lech-chuan-trong-van-hoa-ung-xu-khong-phai-la-ban-chat-nguoi-viet-nam-a118192.html