Khắc phục sự cố cầu Tam Bạc (Hải Phòng). |
Liên quan đến vụ tàu đâm biến dạng cầu ở Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Siển, GĐ Cty TNHH Hoàng Phúc (chủ tàu Hoàng Phúc 99 đâm biến dạng cầu đường sắt Tam Bạc) cho biết, công ty có đoàn tàu chở hàng lưu thông qua Đào Hạ Lý (Hải Phòng) thường xuyên.
Trước thời điểm xảy ra tai nạn 20 phút, có một tàu của công ty lưu thông qua Đào Hạ Lý, hai thuyền trưởng đã thông báo cho nhau, khoảng cách từ tàu đến gầm cầu là 30cm. Trong khi đó, tàu đi sau thấp hơn tàu trước khoảng 15cm, tức là thấp hơn khoảng 45cm nên thuyền trưởng mới quyết định cho tàu lưu thông qua.
“Do mùa mưa lũ, nước thượng nguồn dồn về, thủy triều lên nhanh, không kiểm soát được nên xảy ra va chạm. Thiệt hại đã được đánh giá và công ty đã khắc phục hậu quả, đền bù một số đơn vị”, ông Siển nói.
Cầu Tam Bạc (Hải Phòng). |
Ông Nguyễn Văn Hăng, Thuyền trưởng tàu Hoàng Phúc 99 cho biết, ông bắt đầu lái từ năm 1998, đã có 4 năm lái tàu lưu thông trên tuyến (Ninh Bình –Nam Định - Hải Dương – Hải Phòng- Quảng Ninh) nên khá thông thuộc luồng lạch. Khu vực Đào Hạ Lý khi nước thủy triều lên luồng được mở, biển báo hạ xuống là tàu được phép lưu thông. Tại thời điểm đó, khi điều khiển tàu đến địa phận gần Cầu Tam Bạc thấy biển báo cho phép tàu lưu thông nên ông Hăng đưa tàu qua.
Ông Hăng cho biết, khi đưa tàu đến khu vực cầu Tam Bạc, ông quan sát thấy thước nước ngược giao động trong khoảng 3,7 m, có sóng. Cũng như ông Siển, ông Hăng cho hay: “Trước thời điểm xảy ra tai nạn khoảng 20 phút, có một tàu khác của công ty, cao lớn hơn tàu do ông Hăng điều khiển đã lưu thông qua nên đã lái tàu căn cứ vào đó để cho tàu qua. Nhiều lần qua đây, thông tin về luồng lạch mực nước thường chỉ dựa vào việc lái tàu trước thông báo lại. Nhưng lần này do nước biển dâng lên nhanh quá, nước mưa liên tục dồn về, gió to, sóng liên tục nên mới xảy ra sơ suất đó”.
Về điều tiết của đơn vị quản lý đường sông, ông Hăng cho biết, nhiều năm qua, mỗi tháng đều điều khiển tàu lưu thông trên tuyến vài lượt nhưng chỉ thấy một tàu điều tiết (nằm cách cầu Tam Bạc hơn 1km). Những lần qua khu vực này, lái tàu chỉ căn cứ vào biển báo, nếu treo biển cấm là tàu không được qua. Nhiều lần lưu thông qua đều không thấy người, tàu thường trực, loa đài hướng dẫn, cảnh báo. Ngay cả hôm tàu xảy ra va chạm chỉ có CSGT đường thủy ra giải quyết, xử lý, không thấy tàu và cán bộ điều tiết đường sông.
Như Tiền Phong đã thông tin, khoảng 9 giờ ngày 24/10/2020, tại khu vực Km 01+600 sông Đào Hạ Lý (cầu đường sắt Tam Bạc) giữa địa phận phường Lam Sơn quận Lê Chân và phường Sở Dầu quận Hồng Bàng (thành phố Hải Phòng) xảy ra vụ tai nạn đường thủy. Vụ va chạm khiến cầu đường sắt Tam Bạc (gối cầu phía Hải Phòng nhịp 2) bị trượt theo phương ngang khoảng 50cm và sập khối gỗ đỡ 10cm. Gối cầu phía Thượng Lý nhịp 3 bị trượt theo phương ngang khoảng 40cm, tà vẹt bị gãy 2 thanh, ray bị mất phương hướng và bị treo, bị cong ống sắt (phi 76) bên trong có cáp thông tin…
Ông Nguyễn Việt Thắng, Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng - Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, việc các trạm điều tiết thường trực 24/24 giờ lại để cho phương tiện lớn lưu thông là có lỗi. Công ty Cổ phần Quản lý đường sông số 8 là đơn vị được giao thầu điều tiết quản lý đường sông này. Trong hợp đồng giữa nhà thầu điều tiết và Cục Đường thủy nội địa đã có các quy định rõ ràng về những lỗi vi phạm. Hiện nay, Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc (đơn vị quản lý) được giao xem xét trách nhiệm của nhà thầu, báo cáo và có phương án xử lý.
Trao đổi với báo Tiền Phong, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật (phụ trách mảng đường thủy nội địa) và Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông (phụ trách mảng đường sắt) cũng cho biết đã chỉ đạo xem xét trách nhiệm các đơn vị liên quan đến điều tiết luồng đường thủy trong vụ tai nạn này.
Tác giả: LONG VÂN
Nguồn tin: Báo Tiền phong
Link nội dung: https://haiphong24h.org/tau-thuy-dam-cau-bien-dang-don-vi-dieu-tiet-duong-song-thuong-xuyen-bo-truc-a119795.html