Theo phản ánh của người dân một số địa phương như thị trấn Trường Sơn (huyện An Lão); xã Thụy Hương (huyện Kiến Thụy)..., nhiều bãi rác thải sinh hoạt hiện nay đang trở nên quá tải hoặc chưa được xử lý triệt để dẫn đến môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân.
Bãi rác thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão đang báo động quá tải |
Tại thị trấn Trường Sơn (huyện An Lão), phần lớn bãi rác thải sinh hoạt được quy hoạch từ đầm cá trước đây và đến giờ cũng đang trong tình trạng quá tải vì mật độ dân cư quá lớn.
Theo quan sát của phóng viên, từ ngoài đường đê vào bãi rác, rất nhiều vật dụng cồng kềnh hay chất thải rắn chứa trong các bao tải vứt tràn lan ngập lối đi.
Rác thải còn nằm rải rác, la liệt từ ngoài đường đê vào bãi tập kết |
Ông L.V.N (42 tuổi), một người dân trong khu tập thể Xóm Gạch 2 sống gần bãi rác thải kể lại: "Những hôm gió bấc, mùi hôi thối bay theo chiều gió hay những hôm mưa phùn ẩm ẩm trời, ruồi nhặng bay vào nhà dân đến rùng mình. Chúng tôi biết địa phương không thể tìm được một địa điểm khác phù hợp thay thế bãi rác này nên cứ phải "sống chung với lũ" rồi tự khắc phục".
Trao đổi với Báo Gia đình và Xã hội, ông Hoàng Văn Thúy - Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão cho hay, địa phương là một cụm công nghiệp của huyện An Lão và thành phố Hải Phòng với dân số 8.000 người và 46 doanh nghiệp (với gần 10.000 công nhân) nên lượng rác thải tương đối lớn. Thị trấn Trường Sơn đã thực hiện phân loại rác ngay từ đầu nguồn, những rác thải mềm, phân hủy được xử lý theo quy trình và vài tháng tiến hành lấp đất 1 lần", ông Thúy thông tin.
Ông Hoàng Văn Thúy, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sơn trao đổi với PV về tình trạng quá tải tại các bãi tập kết rác |
Về nạn đổ trộm rác thải, ông Thúy cho hay, địa phương đã vài lần bắt được những trường hợp đổ trộm rác thải và xử phạt. Tuy vậy, các đối tượng xả thải trộm thường hoạt động về đêm, hành động nhanh chóng rồi rút khỏi hiện trường nên việc ngăn chặn khó triệt để. Gần đây, chúng tôi cho lắp camera ngay từ đầu ngõ và cả lối vào bãi rác để theo dõi và nhờ cơ quan công an hỗ trợ truy vết, xử phạt…", ông Thúy nêu giải pháp.
Cũng theo phản ánh của người dân, tại xã Thụy Hương (huyện Kiến Thụy), hiện có 3 bãi rác tạm đặt tại 3 thôn là Quế Lâm, Trà Phương và Phương Đôi. Theo quan sát của phóng viên, cự li từ các bãi rác về địa bàn dân cư chưa đạt 1km, không phù hợp tiêu chí nơi chôn lấp, xử lý bãi rác tạm. Riêng bãi rác thôn Trà Phương diện tích hơn 200m2 nằm giữa cánh đồng, cạnh mương tưới tiêu của người dân hiện cũng rơi vào tình trạng quá tải vì nơi đây mật độ dân cư tập trung đông, nhà hàng, trường học nhiều.
Người dân thôn Trà Phương phàn nàn về bãi rác gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của họ |
Cách bãi tập kết rác thải khoảng 400m, bà Nguyễn Thị Hòa (56 tuổi), người xã Thụy Hương, cho hay: "Do điểm tập kết rác khá gần khu dân cư nên hàng chục hộ trong thôn như gia đình tôi ngày ngày phải sống chung với rác thải. Nếu đây chỉ là nơi tập trung, làm đường cho rác đi thì được, chứ cứ để đó, ô nhiễm lắm. Mỗi lần nhà có việc phải làm cỗ, cả gia đình huy động người ra mắc quạt đuổi ruồi nhặng. Nếu có việc phải đi qua bãi rác là ruồi nhặng cũng bám vào người, theo về tận ngõ nhà".
Người dân ám ảnh mỗi khi phải đi qua bãi rác, ruồi nhặng bám theo về tận ngõ |
Theo ông Vũ Duy Quận - Chủ tịch UBND xã Thụy Hương, địa phương có diện tích tự nhiên hạn hẹp, chỉ 313ha, nên việc chọn địa điểm xây dựng các bãi rác tạm cũng gặp khó. Ông Quận thừa nhận, chính quyền xã đã ghi nhận nhiều ý kiến của nhân dân, tuy nhiên địa phương cũng chưa tìm được vị trí nào thay thế bãi rác hiện nay vì theo quy định, mô hình rác của thôn nào, thôn đó tự xử lý.
"Bên cạnh việc tập trung mua vôi bột, thuốc vi sinh, chế phẩm trừ ruồi, muỗi, vài ba tháng, chúng tôi tổ chức xử lý ép rác một lần để giảm ô nhiễm. Địa phương mong muốn sẽ có giải pháp đồng bộ trong xử lý rác. Hiện chính quyền huyện Kiến Thụy đã và đang xây dựng một nhà máy xử lý rác tập trung cho toàn huyện", ông Quận thông tin.
Liên quan đến mô hình xử lý, phân loại rác từ đầu nguồn, bà Đoàn Thị Mơ - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Môi trường và Dịch vụ thân thiện Thành Vinh chia sẻ: "Chúng tôi đã ký kết với một số địa phương của Hải Phòng tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác như sử dụng vỏ trái cây ủ làm nước rửa bát, làm phân hữu cơ; những thứ đồng nát chấp nhận mua thì bán cho họ để tái chế... Những việc làm này vừa tiết kiệm được một số tiền nhỏ vừa giảm đáng kể lượng rác thải. Trong điều kiện đất nước còn nhiều việc phải lo, chưa cần phải dùng đến máy móc, nếu huy động được nguồn nhân lực tại chỗ sẽ chỉ còn 30% lượng rác thải từ nhà đưa ra bãi rác", bà Mơ khẳng định.
Tác giả: Đinh Huyền – Minh Lý
Nguồn tin: giadinh.net.vn
Link nội dung: https://haiphong24h.org/hai-hung-nhung-bai-rac-bua-vay-dan-cu-o-hai-phong-a120033.html