Mong nhiều người biết đến đường dây nóng
Trưởng nhóm của đội cứu hộ SOS Thuỷ Nguyên là anh Lê Văn Mạnh, SN 1993 (xã Dương Quan, Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng). Anh Mạnh vốn là công nhân của Công ty TNHH Regina Miracle Việt Nam, Khu công nghiệp (KCN) VSIP. Bình thường thì làm việc từ 8 giờ sáng đến 5h30 phút chiều nhưng có nhiều hôm phải tăng ca nên về muộn.
Trong một lần về muộn, anh chứng kiến một đồng nghiệp bị hỏng xe phải dắt một đoạn dài và anh đã xuống giúp đỡ. Về nhà anh cứ bị ám ảnh trong đầu cái suy nghĩ nếu không được giúp đỡ thì người đồng nghiệp đó biết bao giờ mới về được nhà. Không chỉ người đó mà chắc chắn sẽ còn nhiều người khác sẽ không may gặp sự cố trên đường giữa đêm khuya. Nghĩ vậy nên anh đã rủ một số bạn bè thành lập nên Đội Cứu hộ SOS Thuỷ Nguyên.
Anh Mạnh (bên phải) nhận cái bắt tay cảm ơn của người gặp nạn. |
Ngày nào cũng vậy, cứ khoảng hơn 8 giờ tối là anh Mạnh cùng các thành viên của đội lại tập trung nhau lại rồi phân chia địa bàn để đi cứu hộ. Mỗi người đều có một hộp dụng cụ cần thiết như một chiếc đèn pin, đồ sửa xe đến bông, băng và các dụng cụ sơ cứu cần thiết. Anh Lê Hồng Lanh, một thành viên của đội cho biết: "Những dụng cụ cần thiết mà chúng tôi mang theo chủ yếu là lấy từ nhà như: cờ lê, mỏ lết, móc lốp, bơm... Ngoài ra còn có thêm vài cái săm mới. Những cái săm này đa số là được các ''Mạnh thường quân ủng hộ".
Đúng 21 giờ, các thành viên bắt đầu tản ra nhiều hướng để bắt đầu "hành trình cứu hộ". Với chiếc áo đồng phục màu vàng chanh, trên đó in 2 số điện thoại đường dây nóng khiến các thành viên trở nên nổi bật trong đêm.
Đang ngồi tại Công viên 25-10 (thuộc thị trấn Núi Đèo, Thuỷ Nguyên), anh Mạnh nhìn thấy từ xa một người đang dắt xe trong đêm. Rất nhanh chóng, anh Mạnh cùng với anh Đoàn Thế Dương nhanh chóng băng qua đường, lại gần chiếc xe gặp sự cố.
Chủ nhân chiếc xe là anh Nguyễn Văn Thơm (quê huyện An Lão, Hải Phòng) công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp VSIP Thủy Nguyên. Anh Thơm kể rằng đang đi thì chiếc xe bỗng dưng chết máy. Mặc dù anh đã làm đủ cách nhưng chiếc xe vẫn không nổ. Vốn là người làm nghề sửa chữa xe máy lâu năm nên mới nghe qua anh Dương đã đoán đúng bệnh của chiếc xe. Bằng những thao tác thuần thục, chỉ một lát sau tiếng động cơ đã nổ giòn tan.
Đang tưởng tượng đến cảnh phải dắt xe máy thêm gần chục cây số trong đêm giờ nghe tiếng xe nổ anh Thơm không giấu được sự sung sướng. Anh liên tục cảm ơn và ngỏ ý muốn gửi tiền công. "Chúng tôi chỉ nhận lời cảm ơn của anh ấy thôi chứ nhất định không nhận tiền. Bởi đây là cứu hộ miễn phí chứ có phải công việc làm ăn đâu", anh Mạnh chia sẻ.
Mặc dù mới hoạt động được hơn 3 tháng nhưng tính đến nay, Đội Cứu hộ SOS Thuỷ Nguyên đã "giải cứu" được hàng trăm trường hợp bị hỏng xe trong đêm. Hiện đội đã phát triển gần 30 thành viên, trong đó, có cả thành viên tuổi U60, thành viên nữ, thợ sửa xe chuyên nghiệp và cả công nhân trong KCN VSIP Hải Phòng.
Các thành viên SOS Thuỷ Nguyên đang tham gia "giải cứu" 1 chiếc xe bị hỏng. |
Chính vì mới thành lập nên việc cứu hộ qua đường dây nóng vẫn còn chưa nhiều, chủ yếu vẫn là các thành viên đi học các tuyến đường, gặp xe nào hỏng hóc thì giúp. Anh Mạnh nói rằng: "Hình thức này vẫn còn thụ động. Chính vì vậy mỗi lần cứu hộ cho bất cứ chiếc xe nào chúng tôi đều livestream và kêu gọi mọi người chia sẻ để nhiều người được biết đến Đội Cứu hộ SOS Thuỷ Nguyên để khi cần là họ có thể gọi chúng tôi đến trợ giúp".
Nếu người đi đường bị hỏng xe, các thành viên trong đội cứu hộ sẽ hỗ trợ sửa xe, thay lốp, săm, bơm, vá… Trường hợp xe hết xăng, anh em hỗ trợ xăng tùy theo quãng đường về nhà của người dân. Đối với những "ca khó" tức là quá nặng vượt ngoài khả năng sửa chữa thì sẽ cho chiếc xe đó lên chiếc xe ba bánh và chở về tận nhà.
Trung bình mỗi tối, Đội Cứu hộ SOS Thủy Nguyên "giải cứu" 6-7 trường hợp, có hôm 12-13 trường hợp. Điều họ mong muốn nhất chính là sự an toàn của người tham gia giao thông.
"Đêm nào không đi sẽ thấy nhớ"
Đó là tâm sự của chị Vũ Thị Hải Vân, một trong hai thành viên nữ hiếm hoi của Đội Cứu hộ SOS Thuỷ Nguyên. Vì thế dù bận hay gì cũng cố gắng đi, có thể không đi được hết ca thì cũng phải đi đến giờ chót.
Cũng giống như chị Vân, chị Bùi Thị Hoài luôn cố gắng tham gia đầy đủ các buổi cứu hộ. Ban ngày chị Hoài làm công việc nấu ăn cho một công ty. Nhiều hôm sau giờ làm chị lại đi nấu cỗ thuê cho những nhà có đám hay tham gia nấu cơm chay ở đình, chùa. Có lần trên đường về nhà, chiếc xe của chị Hoài bị thủng săm giữa đường. Các quán sửa xe gần đó đều đóng cửa. Không nhận được sự trợ giúp từ ai, chị Hoài một thân một mình phải dắt xe đi về giữa đêm.
Chính vì đã trải qua một lần như vậy nên chị Hoài rất hiểu cảm giác nếu chẳng may gặp sự cố giữa đường thì không biết xoay xở làm sao. Hơn nữa, trên thực tế, tại huyện Thuỷ Nguyên có rất nhiều công ty và công nhân thường hay phải làm tăng ca nên hay phải về nhà lúc đêm muộn. Những lúc như thế chẳng còn hàng quán sửa xe nào mở cửa. Thế nên sự xuất hiện của Đội Cứu hộ SOS Thủy Nguyên chẳng khác nào vị cứu tinh.
Nụ cười trước giờ xuất phát. |
Làm công việc này, điều anh Dương sợ nhất chính là sự hiểu lầm của một số chủ cửa hàng sửa chữa xe máy. Anh bảo: "Nhiều người họ nghĩ tôi tham gia đội cứu hộ chỉ để lợi dụng trục lợi hay đánh bóng tên tuổi để kéo khách về cửa hàng sửa chữa của mình. Tôi phải giải thích với họ nhiều lần là việc làm này hoàn toàn miễn phí, sau rồi họ cũng tin và không còn hiềm khích nữa".
Khi được hỏi, trong những lần cứu hộ, có kỷ niệm nào khiến các thành viên không thể nào quên không thì anh Mạnh cười đáp: "Có lần đang ngồi trực với một thành viên khác, mình nhận được cuộc điện thoại của một người đàn ông gọi đến. Anh ấy nói giọng gấp gáp: "Các anh có thể mua giúp tôi một bát cháo mang vào bệnh viện được không?".
Mình giải thích đây là dịch vụ cứu hộ chứ không phải ship hàng thì anh ấy bảo anh ấy biết thế nhưng hiện anh ấy đang phải trực vợ sắp sinh trong viện, nhà lại không có ai nên không thể bỏ mà đi mua cháo được. Nghe vậy, bọn mình buộc phải trở thành shipper bất đắc dĩ. Vài tiếng sau, anh ấy gọi lại báo là vợ đã sinh mẹ tròn con vuông, khiến bọn mình cũng cảm thấy vui lây".
Hay có những người sau khi được các thành viên Đội Cứu hộ SOS Thuỷ Nguyên cứu hộ thì nhất mực đòi trả công. Khi các thành viên không nhận thì họ nói xin được ủng hộ vào quỹ của Đội để giúp đỡ được nhiều người khác.
Nội quy của Đội là trước lúc xuất phát ai đã trót uống bia rượu thì đêm hôm đó sẽ không được tham gia cứu hộ. Điều này phải được tuân thủ nghiêm ngặt để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Anh Mạnh cho biết: "Mặc dù cứu hộ xe gặp nạn về đêm nhưng nguyên tắc của cả đội là không cứu hộ những trường hợp vi phạm giao thông, trừ trường hợp bị tai nạn. Trường hợp tai nạn, tùy theo mức độ nặng nhẹ, các thành viên hỗ trợ nạn nhân liên lạc với người thân, sơ cứu, đưa đi cấp cứu hoặc bảo vệ hiện trường rồi báo lực lượng chức năng".
Ban ngày, mỗi người một nghề để kiếm sống nhưng ban đêm các thành viên của Đội Cứu hộ SOS Thuỷ Nguyên lại tập hợp nhau lại để làm việc có ích giúp người gặp nạn. Với họ, giúp được một người trở về nhà an toàn là niềm vui và thấy việc "vác tù và hàng tổng" của mình thật sự có ý nghĩa.
Tác giả: Phong Anh
Nguồn tin: cstc.cand.com.vn
Link nội dung: https://haiphong24h.org/chuyen-cua-nhung-hiep-si-giai-cuu-xe-hong-trong-dem-a120554.html