Đề thi gây choáng váng cho nhiều người |
Khi đề thi Văn trên được tung lên mạng xã hội, rất nhiều người đã nghi ngờ đây là đề giả vì nội dung đề gây choáng váng cho nhiều người. Chẳng những khó hiểu mà còn không hay.
Nhưng xác nhận với phóng viên Báo Tuổi Trẻ, Sở Giáo dục - đào tạo Hà Nội cho biết đây là đề thi chính thức của sở dành cho học sinh giỏi tham dự kì thi trên.
Phần 1 của đề thi đưa ra một đoạn trích được dịch từ tác phẩm của nước ngoài. Một cô bé đi học về muộn, giải thích với mẹ mình phải dừng lại trên đường để giúp một bạn bị hỏng xe đạp. Trả lời câu hỏi "Nhưng con đâu biết sửa xe?", cô bé nói "Con dừng lại để giúp bạn ấy khóc".
Đề thi yêu cầu viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ về sự "khóc giùm".
Phần 2 khiến nhiều giáo viên dạy Văn ở Hà Nội choáng váng hơn. Có cô chia sẻ "tôi muốn ngất luôn", hay "xoắn não quá".
Đề đưa ra một đoạn trích trong sách Lý luận văn học, Nhà xuất bản Giáo Dục, 2002: "Nếu xem tác phẩm như một lời phát biểu trước cuộc sống thì phần đề tài, chủ đề có thể xem là "chủ ngữ", còn phương diện chủ quan của nội dung có thể xem là "vị ngữ".
Đề yêu cầu học sinh trình bày hiểu biết về đoạn trích, từ "chủ ngữ" được yêu thích, làm rõ những phương diện độc đáo, đặc sắc của "vị ngữ" trong một vài tác phẩm của bậc THCS.
"Phần 2 của đề thi khiến tôi đọc mà choáng váng vì nó quá hàn lâm, khó hiểu. Đề như thế này rất khó chọn được học sinh giỏi thực sự vì học sinh sẽ chỉ viết quanh co, lan man.
Điều quan trọng là nó không thú vị, không chạm đến cảm xúc để học sinh. Tôi cầm đề thi, đọc trước phần 2, rồi mới nhìn lên phần 1, bất giác cũng muốn khóc như cô bé trong đề thi", cô Th., giáo viên dạy Văn ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ.
Theo các giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 9 ở Hà Nội thì đề thi không hay lại "đánh đố" quá, lấy cái "khó" chứ không phải lấy cái "hay" để đánh giá sự sáng tạo, năng lực văn học của học sinh. Ở phần 1, đoạn dịch không đắt, câu hỏi cũng cũ.
"Tôi không hiểu tới bao giờ cách dạy Văn, thi Văn thôi áp đặt và cho học sinh được nói lên tiếng nói thật của mình. Vì ngay cả những câu hỏi "em hãy trình bày suy nghĩ của mình" thì đáp án vẫn chấm theo "suy nghĩ của thầy, cô", một giáo viên ở quận Đống Đa trao đổi.
Theo các giáo viên có kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi thì "một đề thi tốt cho đối tượng học sinh giỏi không có nghĩa phải đưa ra những câu hàn lâm, trúc trắc, khó hiểu như đề thi trên mà hoàn toàn có thể hỏi giản dị hơn nhưng lại có độ mở để học sinh có cảm hứng, có cơ hội phát huy tư duy sáng tạo.
Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố năm học 2020-2021 của Hà Nội diễn ra vào ngày 13-1. Trong kỳ thi này có tổng cộng 30 hội đồng coi thi tại 30 quận, huyện. Nội dung thi gồm kiến thức toàn cấp học, riêng lớp 9 tính đến hết học kỳ I. Hội đồng thi bắt đầu chấm thi từ ngày 14-1.
Tác giả: VĨNH HÀ
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ
Link nội dung: https://haiphong24h.org/toi-muon-khoc-nhu-co-be-trong-de-thi-van-ay-a120858.html