Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch MTTQ quận ủy Dương Kinh, TP. Hải Phòng bị tố dùng bằng giả. Ảnh: Đinh Mười. |
Sai tên đệm, lộn ngày tháng
Báo Nông nghiệp Việt Nam nhận được thông tin tố giác ông Đỗ Trọng Toản, Chủ tịch MTTQ kiêm Trưởng ban Dân vận của Quận ủy Dương Kinh, TP. Hải Phòng sử dụng bằng PTTH không trùng khớp về tên đệm và ngày, tháng sinh.
Ông Đỗ Trọng Toản (09/5/1974), song lại sử dụng bằng tốt nghiệp THPT là Đỗ Văn Toản (05/9/1974). Bằng tốt nghiệp này ghi ông Đỗ Văn Toản là học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) Kiến Thụy, trúng tuyển kỳ thi tốt nghiệp bổ túc THPT ngày 29/5/2002. Xếp loại tốt nghiệp là Trung bình.
Trong hồ sơ cán bộ của quận ủy Dương Kinh, còn giữ Bằng tốt nghiệp Đại học theo loại hình Đào tạo từ xa của ông Toản, chuyên ngành Luật Kinh tế, tốt nghiệp loại Trung bình vào năm 2007. Tuy nhiên, bằng này ghi tên là Đỗ Trọng Toản (09/5/1974).
Để có thông tin khách quan về sự việc, nhóm PV đã liên hệ với ông Đào Văn Ninh, Bí thư Quận ủy Dương Kinh. Ông Ninh cho biết sau khi tiếp nhận thông tin, đã giao cho ông Phạm Văn Minh, Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Dương Kinh.
Tại buổi làm việc với nhóm PV, ông Minh cho biết: “Theo báo cáo giải trình của ông Toản, mỗi lần bổ nhiệm từ cấp xã, phường cho đến khi công tác tại Quận ủy Dương Kinh, đều có giấy xác nhận về việc Đỗ Văn Toản và Đỗ Trọng Toản là cùng một người. Nhầm lẫn ngày, tháng sinh là do lỗi chủ quan. Thời kỳ đó, nhiều khi cán bộ khai giấy tờ không chính xác”.
Ông Minh cho biết thêm, ông Toản đã cung cấp đã có văn bản gửi Sở Giáo dục & Đào tạo TP.Hải Phòng, đề nghị phối hợp xác minh việc sai lệch giữa Căn cước công dân và Bằng tốt nghiệp THPT của ông Toản. Kết quả cho thấy, năm 2014, Sở này có quyết định đính chính thông tin trên bằng tốt nghiệp THPT, về việc từ Đỗ Văn Toản (05/9/1974) thành Đỗ Trọng Toản (09/5/1974).
“Con đường học hành của tôi nhiều gian truân. Đang học cấp 3 thì gia đình khó khăn về kinh tế nên tôi nghỉ học đi bộ đội. Sau khi xuất ngũ, tôi về học tiếp hệ vừa học vừa làm ở TTGTX huyện Kiến Thụy và công tác tại xã Tân Thành, nay là phường Tân Thành thuộc quận Dương Kinh”, ông Toản nói.
Không biết bằng của cán bộ Toản từ đâu ra
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo TTGTX Kiến Thụy cho biết họ “không hiểu ông Toản lấy bằng từ đâu ra”, bởi tra cứu trong sổ sách của nhà trường, thì các học viên cùng lớp với quan chức quận Dương Kinh đều ký tên khi lấy bằng, riêng trường hợp thí sinh Đỗ Văn Toản thì không có chữ ký.
“Nguyên tắc là Sở sẽ gửi bằng về trường, sau đó thí sinh đến lấy. Thí sinh đến lấy bằng phải ghi rõ ngày tháng đến nhận, ký tên. Trường hợp người nhà lấy thay thì phải có giấy ủy quyền. Chúng tôi chưa hiểu vì sao ông Toản có bằng mà trong sổ lại không thấy tên”, lãnh đạo TTGTX Kiến Thụy cho biết.
Về việc bằng tốt nghiệp sai tên đệm, lộn ngày tháng của quan chức quận Dương Kinh, một cán bộ công tác lâu năm tại TTGTX Kiến Thụy cho biết: “Không thể có chuyện đó xảy ra. Trước khi vào phòng thi, thí sinh được phổ biến rõ quy chế, trong đó nói rõ việc phải kiểm tra ngày tháng năm sinh, họ tên. Thực tế công tác hàng chục năm qua, chúng tôi cho rằng chỉ nhầm một trong hai yếu tố nói trên đã là hiếm gặp, chưa nói tới nhầm cả hai như thế”.
Cán bộ yêu cầu giấu tên cũng nói nhiều năm trước, ông Toản từng đến trường này đề nghị xác nhận Đỗ Trọng Toản và Đỗ Văn Toản với ngày tháng sinh khác nhau là “của cùng một người”, song bị từ chối vì ban giám hiệu cho rằng đây không phải việc của nhà trường, mà là thẩm quyền của cơ quan công an.
Trong khi đó, ông Toản một mực khẳng định với chúng tôi về việc “tự mình đến trường, ký nhận vào sổ sách để lấy bằng”. Trả lời về việc này, lãnh đạo TTGTX Kiến Thụy cho biết: “Đó là ý kiến cá nhân của ông Toản. Chúng tôi khẳng định quy trình của nhà trường không sai. Nếu ông Toản có đến ký tên, thì trong sổ sách sẽ có rõ ràng”.
Về việc ông Toản xuất trình có quyết định đính chính thông tin trên bằng tốt nghiệp THPT, đại diện TTGTX Kiến Thụy cho biết họ “chưa nhận được thông tin phối hợp xác minh” của Sở Giáo dục & Đào tạo TP.Hải Phòng. “Đây là quyết định của Sở, họ không hỏi ý kiến của chúng tôi nên không thể bình luận được gì”, vị đại diện nói.
Người này cũng bác bỏ thông tin quan chức quận Dương Kinh cho rằng bằng tốt nghiệp THPT “là lỗi của nhà trường”. Bởi theo cán bộ này, bằng là do Sở cấp, trường chỉ có trách nhiệm nhận về, bảo quản và giao cho thí sinh trúng tuyển. “Nguyên tắc bằng THPT là phải có dấu giáp lai, nếu không có thì cần đặt vấn đề tấm bằng có thật hay không”.
Tác giả: Văn Việt – Đinh Mười
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Link nội dung: https://haiphong24h.org/can-bo-quan-duong-kinh-o-hai-phong-bi-to-dung-bang-mang-ten-khac-a124123.html