Hải Phòng đang quyết liệt triển khai chủ trương tháo dỡ lồng bè trên các vịnh của quần đảo Cát Bà. Tuy nhiên, khó khăn là việc tìm đầu ra cho các sản phẩm nuôi trồng trên vịnh, nhất là trong điều kiện dịch bệnh phức tạp hiện nay.
Hàng trăm hộ nuôi trồng thủy sản trên đảo Cát Bà đang lo thủy sản không tiêu thụ được khi dịch bệnh phức tạp |
Tìm đầu ra cho 6.000 tấn thủy sản
Ông Đinh Văn Khương, một người nuôi cá lồng bè trên vịnh Bến Bèo (huyện Cát Hải, Hải Phòng) cho biết, các hộ dân ra vịnh nuôi trồng thủy sản từ những năm 1990, sau đó được huyện cấp giấy chứng nhận nuôi cá lồng bè và hoạt động ổn định cho đến nay.
“Mới đây, thành phố có đề án hỗ trợ tháo dỡ lồng bè, trả lại cảnh quan cho các vịnh và đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế du lịch, chúng tôi rất ủng hộ. Nhưng vấn đề lớn nhất của chúng tôi là làm sao tiêu thụ hết số cá đã nuôi hiện nay, bởi số cá còn tồn quá lớn”, ông Khương nói.
Theo ông Khương, các hộ ở đây chủ yếu là nuôi cá gối vụ để luôn luôn có cá thu hoạch. Toàn bộ vốn liếng của các hộ đều nằm ở lồng bè, mua lưới, thả cá giống, mua thức ăn…
Nhiều hộ phải vay mượn ngân hàng để nuôi cá lồng bè. Nếu làm ăn được thì mỗi tháng cũng có thể thu về một vài chục triệu đồng, nhưng mấy năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cá ế ẩm, các lồng bè tồn lượng cá rất lớn…
Cũng giống ông Khương, ông Vũ Văn Mạnh, ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên ra đây lập nghiệp đã lâu. Với hơn 50 ô lồng, lượng cá tồn đọng nhà ông Mạnh hiện nay lên đến cả chục tấn. Có những con cá song đã nuôi 4 năm, nặng cả chục kg nhưng đến nay chưa thể tiêu thụ được.
“Chính quyền quy định tháo dỡ lồng bè thì hãy quan tâm ủng hộ người dân tiêu thụ sản phẩm. Các nhà hàng thì đóng cửa, nguồn cá giao bán cho nhân dân thành phố và các địa phương khác thì không đáng kể, giờ chúng tôi không biết làm sao”, ông Mạnh nói.
Hỗ trợ tối đa cho người dân
Những ngày cuối tháng 8, có mặt ở khu vực nuôi thủy sản lồng bè của các hộ dân trên các vịnh của đảo Cát Bà, PV Báo Giao thông liên tục gặp các tổ công tác của UBND huyện Cát Hải đi tuyên truyền tới bà con chủ trương tháo dỡ lồng bè, trả lại cảnh quan tự nhiên và cải thiện môi trường, phục vụ phát triển du lịch trên các vịnh.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết: Hiện, Cát Bà có 440 cơ sở nôi trồng thủy sản với 516 nhà chòi, 8.216 ô lồng, 58.790m2 giàn nuôi nhuyễn thể ở các cơ sở nuôi tập trung tại các vịnh: Cát Bà, Lan Hạ, Bến Bèo, Trà Báu và Gia Luận.
Tương ứng với đó là sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 6.000 tấn các loại, riêng cá đạt khoảng 2.000 tấn, các loại nhuyễn thể khác trên 4.000 tấn.
“Huyện Cát Hải, Sở Ngoại vụ và Ban quản lý Di sản thiên nhiên thế giới đang tích cực tuyên truyền, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để UNESCO công nhận vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2022. Để tạo điều kiện cho việc quy hoạch và phát triển không gian du lịch, đảm bảo nguồn cung cấp sản phẩm thủy sản đặc thù có chất lượng cao, đề án sẽ hỗ trợ tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, đảm bảo việc nuôi trồng thủy hải sản không xung đột với cảnh quan, môi trường du lịch. Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện Cát Hải” |
“Đề án hỗ trợ tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải đã được thông qua tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP Hải Phòng diễn ra ngày 11 - 12/8.
Hiện, Huyện ủy đã thành lập Ban chỉ đạo, các tổ công tác để tuyên truyền vận động, thực hiện kiểm đếm, thẩm định, tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh, nhưng khó nhất là hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm”, ông Vinh nói.
Theo lãnh đạo TP Hải Phòng, Luật Thủy sản năm 2017 mới chỉ quy định thực hiện bồi thường, hỗ trợ khi thực hiện thu hồi khu vực biển để nuôi trồng thủy sản vì mục đích công cộng, quốc phòng và an ninh.
Các hộ nuôi trồng thủy sản trên các vịnh của quần đảo Cát Bà đều chưa được cơ quan có thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước biển, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.
Do vậy, thành phố đã vận dụng mọi biện pháp để hỗ trợ tối đa cho người dân.
Cụ thể, tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP diễn ra ngày 11 - 12/8, bên cạnh việc thông qua đề án trên, đã thống nhất mức hỗ trợ là 19.857.983 đồng/nhà chòi; 4.836.000 đồng/ô lồng nuôi cá; 89.008 đồng/m2 giàn nuôi nhuyễn thể.
Đối với sản phẩm nuôi là cá, mức hỗ trợ đối với các ô lồng nuôi cá tháo dỡ trước ngày 1/1/2022 là 25.000 đồng/m3. Từ 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 là 12.500 đồng/m3.
Đối với sản phẩm nuôi là nhuyễn thể, hỗ trợ đối với các giàn nuôi nhuyễn thể tháo dỡ trước ngày 1/1/2022 là 12.500 đồng/m2.
Ngoài ra, hỗ trợ hộ gia đình là chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản bị tháo dỡ sinh sống trên các cơ sở nuôi trồng thủy sản trước ngày 1/7/2021 là 6.480.000 đồng/nhân khẩu.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, cùng với việc hỗ trợ tháo dỡ, huyện Cát Hải đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định vị trí nuôi mới cho người dân với điều kiện vị trí nuôi mới có thể lưu giữ khoảng 1/3 số lồng bè.
Tác giả: Tiến Nguyễn
Nguồn tin: Báo Giao thông
Link nội dung: https://haiphong24h.org/thao-do-long-be-dan-lo-e-6000-tan-thuy-san-a125098.html