Anh sát hại em
Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Nguyễn Việt Đức (30 tuổi) sinh ra và lớn lên tại thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình trong gia đình có 3 người con. Học hết 12, anh ta vào TPHCM học trung cấp kế toán. Học xong, bị cáo trở về quê phụ giúp gia đình. Sau nhiều năm mưu sinh tại quê nhà, Đức trở vào TPHCM và một mình ở nhà dì ruột tại quận 12.
Ngày 18/6/2020, anh Nguyễn Vân Đ. (em trai bị cáo) không có việc làm nên tới ở cùng Đức. Hai anh em sống với nhau được 10 ngày thì xảy ra biến cố đau lòng.
Bị cáo Nguyễn Việt Đức tại tòa. |
Chiều 27/6/2020, Việt Đức kêu em trai đi mua đồ ăn về ăn cùng, nhưng Vân Đ. không đi dẫn đến cãi nhau. Bực tức, bị cáo liền đuổi em ra khỏi nhà.
Ấm ức bị anh đuổi với lý do không đâu nên trong lúc thu dọn quần áo người em có lời qua, tiếng lại với anh trai. Từ đó, bị cáo và bị hại xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau. Trong cơn tức giận, Việt Đức rút dao đâm em trai nhưng không trúng.
Đáng nói, thay vì bỏ chạy, bị hại còn thách thức. Không nén được cơn giận, Đức vung dao đâm tiếp khiến người em gục xuống đất. Thấy em trai chảy máu, bị cáo định chở đi cấp cứu nhưng bị hại đã tử vong.
Ngay khi xảy ra sự việc, Đức điện thoại thông báo cho người thân. Được sự động viên của gia đình, Đức đã tới cơ quan công an tự thú.
Với hành vi của mình, bị cáo Đức bị Tòa án Nhân dân (TAND) TPHCM tuyên phạt mức án 20 năm tù. Cho rằng hình phạt trên là quá nghiêm khắc, bị cáo Đức và đại diện gia đình bị hại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Nước mắt người mẹ già
Trong phiên tòa phúc thẩm, Đức tỏ ra ăn năn hối hận vì hành động sai trái của mình trong cơn "giận quá mất khôn" đã tước đi sinh mạng của người em trai, để lại nỗi đau cho người mẹ già, đẩy gia đình vào tấn bi kịch và nỗi ray rứt của bản thân.
Bước lên bục khai báo, Đức cúi đầu và khai rõ hành vi phạm tội của mình. Thỉnh thoảng, bị cáo hướng mắt nhìn về phía người thân. Mỗi lần bị cáo nhắc lại hành vi phạm tội của mình thì ở hàng ghế bị hại bà Định Thị D. (mẹ bị cáo) không cầm được nước mắt, không ít lần người mẹ đã khóc lên thành tiếng.
Được tòa triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là đại diện cho bị hại, bà D. nuốt nỗi đau mất đi người con thứ 2 để xin tòa giảm nhẹ cho bị cáo Đức.
Người phụ nữ gần 60 tuổi với vẻ mặt khắc khổ cho biết chồng mất sớm, một mình bà tần tảo nuôi 3 người con khôn lớn. Khi các con đã trưởng thành, bà đã đỡ đôi phần vất vả thì bi kịch gia đình xảy ra với gia đình bà D.
"Gia đình tôi vốn có hoàn cảnh khó khăn, chồng lại mất sớm. Tôi có 2 đứa con trai, đứa chết, đứa vào tù. Giờ đây, tôi mong Đức nhận được sự khoan hồng của pháp luật, để sớm làm lại cuộc đời" - bà D. khóc nghẹn.
Bên cạnh đó, bà D. trình bày gia đình mình có công với cách mạng, bố bị cáo là thương binh nên đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho con trai mình.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Đức trình bày một số tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, có nhân thân tốt, sau khi phạm tội đã tự thú… Từ đó, đề nghị tòa chấp nhận kháng cáo, tuyên phạt bị cáo mức án dưới khung hình phạt quy định.
Sau khi nghị án, hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định hành vi của bị cáo xâm phạm đến quyền được sống, quyền được bảo vệ tính mạng của chính em ruột mình. Bị cáo nhận thức được việc làm của mình là sai trái, bị pháp luật nghiêm cấm nhưng vẫn phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp.
Tại phiên tòa phúc thẩm, mẹ bị cáo xuất trình những tài liệu, chứng minh bị cáo có những người thân có công với cách mạng mà cấp sơ thẩm chưa xem xét. Từ đó, HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo nhằm thể hiện sự khoan hồng của pháp luật nhưng vẫn đảm bảo tính răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.
Từ những nhận định trên, HĐXX TAND cấp cao tại TPHCM chấp nhận kháng cáo của bị cáo, gia đình bị hại, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Việt Đức mức án 18 năm tù về tội giết người.
Tác giả: Xuân Duy
Nguồn tin: Báo Dân trí
Link nội dung: https://haiphong24h.org/em-chet-anh-vao-tu-va-tieng-khoc-nghen-cua-nguoi-me-gia-a125880.html