Bộ trưởng GTVT: "Trải thảm" cho nhà đầu tư rót tiền vào hệ thống cảng biển

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT sẽ đề xuất với Thủ tướng cơ chế đặc thù để tạo “sân chơi” thu hút nguồn vốn xã hội hóa trong phát triển cảng biển.

 

Bộ GTVT vừa tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, trong cả năm 2020, Bộ GTVT đã tập trung xây dựng 5 quy hoạch tổng thể ngành GTVT theo Luật Quy hoạch mới.

“Mặc dù thời gian qua, ngành GTVT chịu nhiều áp lực nhưng chưa giai đoạn nào công tác quy hoạch được làm tốt như giai đoạn này. Thay vì mỗi lĩnh vực làm quy hoạch ở một thời điểm khác nhau như trước đây, lần này, quy hoạch 5 lĩnh vực được thực hiện đồng thời, giúp cho việc đánh giá tiềm năng, thế mạnh của từng lĩnh vực được hiệu quả hơn, phù hợp với điều kiện thực tiễn hơn”, Bộ trưởng nói.

6 cụm cảng biển tiềm năng

Liên quan đến Quy hoạch cảng biển, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định việc thực hiện quy hoạch sẽ được tập trung vào 6 cụm cảng chính.

Cụ thể, cụm cảng số 1 sẽ tập trung nâng cấp hệ thống cảng biển Hải Phòng. Đưa cảng Lạch Huyện trở thành cảng phục vụ riêng hàng container. Cảng Đình Vũ - sông Cấm được tiếp tục duy trì, phục vụ khu công nghiệp tại khu vực. Hàng rời, hàng lỏng, hàng khí, định hướng sẽ chuyển về khu vực Nam Đồ Sơn, Văn Úc.

Riêng đối với khu bến Nam Đồ Sơn, Văn Úc, đây là điểm đột phá tại quy hoạch lần này. Khu bến được quy hoạch, hình thành không chỉ thúc đẩy sự phát triển các khu/cụm công nghiệp phía Nam cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mà còn là động lực thúc đẩy công nghiệp phát triển ở cả tỉnh Thái Bình tiếp giáp. Hạ tầng kết nối với khu vực cảng biển phía Bắc tới đây cũng sẽ thuận lợi hơn khi có đường Vành đai 4 Hà Nội và hệ thống đường thủy nội địa, cảng thủy nội địa dọc sông Hồng.

 Bên cạnh xác định hai cảng biển loại đặc biệt là Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu, Quy hoạch lần này đã đưa 4 cảng biển khác vào quy hoạch tiềm năng trở thành cảng biển đặc biệt.

Cụm cảng tiềm năng thứ 2 là Thanh Hóa. Với lợi thế có cảng hàng không (CHK) Thọ Xuân, khu kinh tế Nghi Sơn đang phát triển mạnh cùng một loạt các dự án giao thông đã và sẽ nghiên cứu triển khai như: cao tốc Bắc - Nam, đường sắt cao tốc Bắc - Nam. đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn có thể kết nối với cảng biển, các cảng tại Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung Bộ hoàn toàn có tiềm năng đột phá.

Cụm cảng thứ 3 là cụm cảng Đà Nẵng với lợi thế kết nối gần nhất với Nam Lào, Bắc Campuchia, kết nối ngã 3 Đông Dương qua Thái Lan. Cùng với CHK quốc tế Đà Nẵng, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và đường cao tốc Bắc - Nam đi qua, cụm cảng Đà Nẵng sẽ là động lực kinh tế, thu hút đầu tư phát triển vùng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, thứ 4 là cảng biển Khánh Hòa với khu vực Vân Phong có lợi thế tự nhiên vô cùng thuận lợi với độ sâu luồng đến -17m, -18m, có thể làm cảng cửa ngõ lớn nhất Việt Nam. Để phát triển cụm cảng này, một đường cao tốc nối Vân Phong kết nối vùng Tây Nguyên xuống Vân Phong, Khánh Hòa sẽ là khu vực tiềm năng phát triển cụm cảng, từng bước biến khu vực thành vùng động lực của Tây Nguyên.

“Cụm cảng thứ 5 là Cái Mép-Thị Vải, đây là cụm cảng được kỳ vọng kỳ vọng rất lớn thời kỳ này. Cơ hội còn rộng mở hơn nữa khi một loạt các dự án đường cao tốc đang được xem xét triển khai như: Biên Hòa - Vũng Tàu; đường Vành đai 3, Vành đai 4 Tp.Hồ Chí Minh, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Chơn Thành qua Bình Dương, Bình Phước, cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Mộc Bài qua Campuchia", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định.

Cụm cảng số 6 là cảng Trần Đề. Hiện nay, ĐBSCL có CHK quốc tế Cần thơ, có đường thủy phát triển, có hệ thống đường bộ nhưng chỉ có cảng Cái Cui, năng lực tiếp nhận tàu hạn chế. Hàng hóa khu vực muốn xuất khẩu qua châu Âu, Mỹ phải về Tp. Hồ Chí Minh và Cái Mép - Thị Vải, chi phí vận tải quá lớn.

“Vì vậy, quy hoạch xác định sẽ nghiên cứu, hình thành cảng Trần Đề cùng với cao tốc Cần Thơ - Trần Đề, Cần Thơ - Châu Đốc, Cần Thơ - Cà Mau cộng với CHK quốc tế Cần Thơ, khu vực ĐBSCL sẽ được công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, Bộ trưởng nói.

Để quy hoạch cảng biển được thực hiện hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị các Bộ, ngành ủng hộ ngành GTVT bằng cơ chế, chính sách để tiếp tục hoàn thành quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển, phát triển đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không để liên kết cảng biển tốt hơn.

Bộ GTVT sẽ đề xuất cơ chế đặc thù để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành cho nhà đầu tư tiếp cận vốn, tạo “sân chơi” cho nguồn vốn xã hội hóa rót tiền đầu tư vào cảng biển, tạo tiền đề phát triển cho đất nước. Các địa phương cần phối hợp với Bộ GTVT xây dựng các cảng biển, đồng thời kêu gọi xúc tiến, "trải thảm" cho các nhà đầu tư. Trong quá trình thực hiện, địa phương nếu có vướng mắc cần phối hợp với Bộ để hệ thống hạ tầng cảng biển hoàn thành tốt nhất”, Bộ trưởng nói.

Cảng biển được ưu tiên lựa chọn vị trí

“Quá trình lập quy hoạch, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ và lấy ý kiến các Bộ ngành, địa phương cùng chuyên gia, nhà khoa học để đảm bảo đồng bộ giữa quy hoạch cảng biển với các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết.

Quy hoạch đã xác định cảng biển là bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại phát huy lợi thế là phương thức chủ đạo vận tải hàng hóa khối lượng lớn, đóng vai trò quan trọng trong vận tải hàng hóa quốc tế.

 Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, Quy hoạch là một văn bản có ý nghĩa rất quan trọng, cụ thể hóa các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, chiến lược phát triển kinh tế biển.

Trong 5 loại hình kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển được ưu tiên lựa chọn vị trí, các loại hình khác sẽ được kết nối đồng bộ liên hoàn dựa trên những ưu thế của từng phương thức trong từng hành lang vận tải.

“Quy hoạch cũng ưu tiên các cảng biển cửa ngõ quốc tế, các cảng biển quy mô lớn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của cả nước hoặc liên vùng; các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp…”, Thứ trưởng Nguyên Xuân Sang cho biết.

Đặc biệt, theo Thứ trưởng, nguồn lực cho phát triển cảng biển thời kỳ này chủ yếu được huy động từ nguồn ngoài ngân sách chiếm đến 95% trong tổng số 313.000 tỷ đồng nhu cầu vốn đầu tư cảng biển. Vốn ngân sách sẽ tập trung cho hạ tầng công cộng, khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong hai quy hoạch chuyên ngành quốc gia (cùng với Quy hoạch mạng lưới đường bộ) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sớm nhất.

Theo quyết định của Thủ tướng, hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn mới sẽ được phân thành 5 nhóm thay vì 6 nhóm cảng biển như giai đoạn trước.

Quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030, hệ thống cảng biển Việt Nam đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ hơn 1,1 tỷ tấn đến hơn 1,4 tỷ tấn. Trong đó, hàng container từ 38 - 47 triệu teu; hành khách từ 10,1 - 10,3 triệu lượt khách.

Giai đoạn đến năm 2050, phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại ngang tầm với khu vực và thế giới với năng lực đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4 - 4,5%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,2 - 1,3%/năm.

Tác giả: Lê Mạnh Quốc

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

Link nội dung: https://haiphong24h.org/bo-truong-gtvt-trai-tham-cho-nha-dau-tu-rot-tien-vao-he-thong-cang-bien-a126014.html