Nguyên văn câu nói của Chi Pu trên sóng livestream: "Qua đây làm này làm kia nè, nhưng mà thôi sự thật thì luôn luôn đơn giản nhưng people make it complicated (mọi người phức tạp hóa lên) nên là mình cứ enjoy cái moment này (tận hưởng khoảnh khắc này)... Mình sẽ nói chuyện với mọi người nhiều hơn, tương tác với mọi người nhiều hơn và có những hoạt activities (hoạt động) nào đó thì Chi sẽ show (công bố) cho mọi người..."
Chi Pu trên sóng livestream mới đây |
Dù chỉ là đoạn hội thoại ngắn nhưng cũng gây tranh cãi không nhỏ trong cộng đồng mạng, trở thành top những câu nói trending của giới trẻ những ngày qua. Nhiều bạn trẻ "thi nhau" sáng tác thành những câu nói hài hước khác như: "Mình sẽ tương tác với mọi người nhiều hơn và có cái hoạt activities nào thì sẽ show cho mọi người"; "Mình thấy chuyện yêu đương rồi chia tay bình thường mà nhiều people cứ make it complicated. Miễn là họ enjoy cái moment mà họ đã trải qua with nhau là được mà"; "Loa loa loa! Tháng này chúng mình tặng nhiều sách quá nhỉ, nhưng mà hãy enjoy cái moment này vì sẽ còn rất nhiều quà nữa đó nha"...
Nhiều bạn trẻ đã cởi mở đưa ra quan điểm về vấn đề này.
Có phê phán, vì nó cổ súy việc đua đòi nói tiếng Anh thiếu quy tắc
Bàn luận về hiện tượng trên, bạn Nguyễn Huỳnh Anh Khoa (sinh năm 1999, ở TPHCM, hiện làm kỹ sư phần mềm tại Mỹ) cho rằng cách nói chuyện trên sóng livestream của Chi Pu cần chỉ trích, phê phán gay gắt.
Anh Khoa bày tỏ: "Theo mình, cần chỉ trích, phê phán gay gắt hiện tượng nói trên bởi 2 lý do sau: Thứ nhất, việc này cổ súy sự đua đòi nói tiếng Anh một cách thiếu quy tắc. Học tiếng Anh là tốt nhưng phải vì mục đích hội nhập, có tinh thần trau dồi và học những thứ quan trọng, chứ không phải vì mục đích khoe khoang lên mạng xã hội.
Thứ hai, nó tạo nên một loạt những tranh luận mâu thuẫn làm người ta lơ là đi những vấn đề khác.
Tuy nhiên, trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta vẫn vô tình sử dụng tiếng Anh một cách vô thức, điển hình là những từ viết tắt (KPI), hay những từ ngữ đại chúng (trend, follower, drama). Tùy trường hợp, tùy đối tượng người nghe mà chúng ta nên ứng xử phù hợp. Đối tượng hướng đến trong livestream của Chi Pu là người Việt, nên tại sao phải lồng ghép ngoại ngữ trong khi bản thân hoàn toàn có thể diễn đạt tiếng Việt. Nếu có thể, phải tối đa hóa số lượng tiếng Việt (hoặc giảm thiểu số lượng tiếng Anh đến mức không thể giảm được nữa)."
Cách chêm từ như Chi Pu là bừa bãi, sai cách dùng
Trò chuyện với Trương Tuấn Vũ (thủ khoa đầu ra trường ĐH Bách Khoa Hà Nội năm 2021), nam sinh cho rằng: "Mình thấy, có những từ trong tiếng Anh khó có thể biểu diễn 100% bằng tiếng Việt, hoặc nếu có sẽ phải nói khá phức tạp. Trong một số trường hợp, người nói có thể dùng một số từ tiếng Anh chêm vào khi giao tiếp bằng tiếng Việt để diễn đạt hết ý.
Nhưng đoạn hội thoại của Chi Pu dùng toàn từ rất cơ bản và không cần thiết chêm vào như vậy.
Với những người học tiếng Anh nhiều, đúng là thường chêm từ vào, nhưng thường họ chỉ đưa vào những từ khó mà giải thích kỹ bằng tiếng Việt được. Ví dụ, mình hay chêm từ trong trường hợp: "Bài tập này tricky quá". Không chỉ biểu đạt đây là bài tập khó, mà "tricky" còn có ý hiểu là "dễ sai, cần xem xét cẩn thận".
Tương tự, bạn Nguyễn Thị Hạnh (sinh viên năm 3 ĐH Thương mại chuyên ngành Kinh doanh quốc tế) có quan điểm: "Trong giao tiếp hàng ngày không nên lạm dụng nhiều. Chỉ nên dùng vui với tính chất giải trí và nếu một câu nói dùng 3 - 4 từ chêm vào sẽ khiến người nghe cảm thấy khó chịu.
Có thể, ca sĩ Chi Pu chỉ đang muốn sử dụng nhiều tiếng Anh nhất có thể để thích nghi với môi trường mới. Nhưng vì trong lúc nói chuyện với fan ở Việt Nam lại chêm từ hơi nhiều nên nhiều người tỏ thái độ gay gắt cũng dễ hiểu".
Giữa thể hiện và tập luyện có ranh giới rất mong manh
Bày tỏ quan điểm cá nhân trong một hội nhóm, bạn Nguyễn Trọng Hiếu viết: "Theo mình thấy, vấn đề "ngôn ngữ lai" hiện nay khá bình thường. Thậm chí còn được sử dụng trong rất nhiều trường hợp như là luyện tiếng Anh hay giao tiếp công việc.
Ví dụ như: "Em check inbox giúp chị nhé!"; "Bạn phải cố gắng mỗi ngày để update bản thân hơn nữa"...
Và trong chúng ta, chắc hẳn ai cũng đã từng kết hợp Anh - Việt trong câu nói của mình. Thể hiện hay luyện tập có ranh giới rất mong manh nhưng dù gì đi nữa cũng mong những người nghe hãy hiểu cho người nói và hãy xem đó chỉ là một câu nói bình thường, không nên làm quá".
Tác giả: Châu Linh
Nguồn tin: Báo Tiền phong
Link nội dung: https://haiphong24h.org/dan-mang-tranh-cai-soi-noi-ve-cach-noi-chuyen-dem-ngoai-ngu-cua-chi-pu-a126230.html