Nợ nghi ngờ mất vốn tăng "sốc" bằng lần
Bức tranh nợ xấu của ngân hàng hé lộ rõ hơn trong báo cáo tài chính quý III. Nhưng điểm đáng chú ý về nợ xấu trong nhiều bản báo cáo kết quả kinh doanh kỳ này của các ngân hàng là nợ nghi ngờ mất vốn tại không ít nhà băng tăng cực mạnh.
Chẳng hạn, tại LienVietPostBank (mã chứng khoán: LPB), tính đến 30/9, nợ nghi ngờ mất vốn đã tăng 2,7 lần so với đầu năm, từ hơn 356 tỷ đồng lên hơn 974 tỷ đồng.
Tại Kienlongbank (mã chứng khoán: KLB), nợ nghi ngờ mất vốn cũng tăng 2 lần, từ gần 50 tỷ đồng hồi cuối 2020 lên 102,6 tỷ đồng sau 9 tháng năm 2021.
Hay tại một nhà băng khác là VietBank, nợ nghi ngờ mất vốn cũng tăng gần 2,6 lần, từ 91,3 tỷ đồng lên gần 236,6 tỷ đồng sau 9 tháng.
Trong nghiệp vụ ngân hàng, nợ được gọi là nợ xấu bao gồm các loại nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ mất vốn, nợ có khả năng mất vốn. Xếp theo cấp độ nguy hiểm và tỷ lệ trích lập dự phòng cũng phải tương ứng thì nợ có khả năng mất vốn là nguy hiểm nhất, sau đó đến nợ nghi ngờ, rồi nợ dưới tiêu chuẩn.
Nợ nghi ngờ mất vốn là các khoản nợ quá hạn từ 181 ngày tới 360 ngày. Nếu quá từ 91 ngày tới 180 ngày, nợ xấu lại thuộc nhóm nợ dưới tiêu chuẩn. Điều này đồng nghĩa với việc khoản nợ quá hạn một ngày đã bị chuyển nhóm. Ngoài ra, nợ nghi ngờ mất vốn còn là những khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ 2.
Theo quy tại Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/10, việc trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ xấu được áp dụng theo tỷ lệ 20-50-100. Tức là nợ dưới tiêu chuẩn phải trích lập 20%. Nợ nghi ngờ mất vốn được trích lập 50%. Nợ có khả năng mất vốn phải được trích lập 100%.
Nợ nghi ngờ mất vốn tại một số ngân hàng sau 9 tháng tăng "sốc" với mức tăng vài lần (Ảnh minh họa: DT). |
Ngân hàng "sợ nhất"
Một lãnh đạo ngân hàng cổ phần khu vực TPHCM chia sẻ với Dân trí, nợ nghi ngờ tăng mạnh khiến ngân hàng "sợ nhất". Lý do, theo vị này, nợ mà chuyển thành nợ nghi ngờ là xấu rồi, có khi là khách hàng không hợp tác, không có phương án trả nợ trong thời gian sắp tới nên buộc phải chuyển nhóm.
"Ngân hàng phải chấp nhận thôi chứ biết làm thế nào được. Nợ nghi ngờ mất vốn thực tế là khoản nợ của khách hàng đã được cơ cấu một lần rồi nhưng bây giờ không thu xếp được. Mà theo quy định hiện hành thì cứ trễ một ngày đã bị đẩy nhóm rồi, nên ngân hàng rất sợ là do nếu đã cơ cấu rồi, giờ chuyển nhóm mà sau đó khách vẫn khó khăn không trả đúng nợ, hoặc có vấn đề gì là ngân hàng "chết luôn", nên chúng tôi sợ nhất nhóm đó là vì thế", ông bày tỏ.
Theo vị lãnh đạo này, với rất nhiều trường hợp, ngân hàng không muốn đẩy nhóm nợ. Nhưng vì khách vay không xoay xỏa được nữa nên "ngân hàng đành phải chịu, phải làm theo quy định. "Giá như được quy định theo kiểu thôi thì nợ đã cơ cấu một lần rồi, giờ cho 9 ngày để khách chuẩn bị, xoay tiền, thay vì một ngày thì sẽ đỡ hơn, chứ một ngày không trả đã chuyển nhóm thì cũng khó", ông nêu ý kiến.
Phó giám đốc một chi nhánh ngân hàng tại Hà Nội cũng cảm thán, khách vay bị chuyển nhóm nợ từ dưới tiêu chuẩn sang nghi ngờ khiến ngân hàng "sợ lắm". Lý do là nhóm khách này đã được tái cơ cấu một lần nhưng hiện không xoay được nên bị chuyển nhóm.
"Tại sao ngân hàng không thông báo?", "Có. Chúng tôi vẫn thông báo, nhắc này nhắc kia nhưng vấn đề là người ta không thu xếp được tiền ấy. Năm trước đã một đợt, năm nay lại thêm đợt Covid-19 nữa nên họ khó thật sự, vướng ở chỗ đó", vị lãnh đạo này chia sẻ. Ông hé lộ, nhiều khi khách vay đã quen với việc nợ 1-9 ngày vẫn được ở nhóm trên nhưng giờ thì nợ đã cơ cấu rồi mà chậm một ngày đã bị chuyển nhóm.
"Nợ nghi ngờ tăng phần lớn là vì lý do trên, hoặc do thói quen của doanh nghiệp, hoặc do dòng tiền cũng khó nên chậm cái lên nhóm ngay. Chúng tôi đau đầu nhất phần đó", ông bày tỏ.
Áp lực
Một chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán ở Hà Nội bình luận, câu chuyện quá hạn một ngày đã bị chuyển nhóm nợ không còn là chuyện mới.
Các quy định cũ của cơ quan quản lý như Thông tư 01, 03 cũng đã nêu vấn đề này. Theo vị này, việc nợ nghi ngờ tăng mạnh tại một số ngân hàng mà lại không phải những ngân hàng lớn có thể liên quan đến phần nợ đã bán chưa thu tiền.
Thông thường, trước đây, một số ngân hàng quy mô vừa, nhỏ sẽ lách bằng cách bán nợ đi khi đến kỳ báo cáo để có phần số đẹp hơn trên báo cáo tài chính. Nhưng bây giờ, theo quy định mới của Thông tư 11 là kể cả nợ bán chưa thu tiền vẫn phải được phân loại thì phương thức trên không còn hiệu quả nữa. Nợ xấu tại một số bên tăng "sốc" cũng có thể từ nguyên nhân đó.
Còn với nợ nghi ngờ mất vốn tăng mạnh, vị này nhận định nhiều khả năng do các khoản đã được tái cơ cấu theo Thông tư 01, 03 nhưng hết hạn và ngân hàng không tái cơ cấu nữa, khách không trả được thì nợ bị nhảy nhóm.
"Nợ xấu tăng chẳng có gì ngạc nhiên khi mà Covid-19 tác động đến nền kinh tế, trong đó có những người đi vay là người dân, doanh nghiệp như thế", lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội, nói với Dân trí, sau khi số liệu tài chính 9 tháng của một số ngân hàng được công bố. Ông bảo khi người dân, doanh nghiệp quá khó khăn thì việc nợ bị quá hạn là chuyện "thường ngày ở huyện".
Dù vậy, theo giới phân tích, áp lực đối với ngân hàng trong thời gian sắp tới là khó tránh khỏi. Một chuyên gia trong lĩnh vực bày tỏ, kết quả kinh doanh của ngân hàng 9 tháng đầu năm cơ bản vẫn tốt phần lớn do dư địa của 6 tháng đầu năm. Nửa cuối năm, đặc biệt là 3 tháng cuối cùng, các vấn đề, trong đó có nợ xấu, có thể sẽ được phản ánh rõ ràng hơn vào kết quả kinh doanh và điều đó chính là áp lực của các ngân hàng, kể cả ngân hàng lớn.
Tác giả: Anh Ngọc
Nguồn tin: Báo Dân trí
Link nội dung: https://haiphong24h.org/no-nghi-ngo-mat-von-tai-ngan-hang-bat-ngo-tang-manh-a126349.html