"Chúng tôi vẫn chưa biết nhiều về nó. Điều chúng tôi biết là biến chủng này có một lượng lớn đột biến. Mối quan tâm hiện tại là việc có nhiều đột biến sẽ ảnh hưởng tới cách thức hoạt động của virus", Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm chuyên môn về COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói trong cuộc họp hôm 25/11.
Biến chủng mới của COVID-19 có tên là B.1.1529 khiến nhiều nhà khoa học quan ngại khi có tới 32 đột biến ở protein gai.
Tiến sĩ Maria Van Kerkhove. (Ảnh: Reuters) |
Còn theo Giáo sư Ravi Gupta đến từ Đại học Cambridge cho biết, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của ông phát hiện 2 đột biến của B.1.1.529 làm tăng khả năng lây nhiễm và lan truyền của virus, đồng thời giảm khả năng nhận biết của kháng thể.
Tiến sĩ Tom Peacock, nhà virus học tại Đại học Hoàng gia London đánh giá số lượng đột biến rất cao của biến chủng mới cho thấy nó có thể rất đáng lo ngại.
Bà Kerkhove cho biết nhóm làm việc của WHO sẽ đánh giá xem có nên xếp B.1.1.529 vào nhóm biến chủng đáng quan tâm hay đáng lo ngại hay không trước khi đặt tên cho nó theo chữ cái Hy Lạp.
"Các nhà nghiên cứu của chúng tôi đang tìm hiểu về vị trí của những đột biến này trong protein gai. Điều đó có thể có ý nghĩa đối với việc chẩn đoán hoặc điều trị", bà này nói thêm.
B.1.1.529 lần đầu tiên được phát hiện ở Botswana với 3 ca bệnh. 6 ca nhiễm khác được ghi nhận ở Nam Phi. Hong Kong mới đây cũng báo cáo về 2 trường hợp nhiễm B.1.1.529. Một người là du khách tới từ Nam Phi và một công dân Canada ở phòng đối diện với người này tại khu cách ly.
Sau 2 ca bệnh trên, giới chức Hong Kong yêu cầu toàn bộ những người cách ly tại 12 phòng khác cùng tầng với các trường hợp trên cách ly thêm 14 ngày. Chưa có thêm ca nhiễm B.1.1.529 mới nào được ghi nhận.
Tác giả: SONG HY
Nguồn tin: Báo VTC
Link nội dung: https://haiphong24h.org/who-hop-khan-ve-bien-chung-covid-19-moi-o-nam-phi-hong-kong-co-2-ca-nhiem-a126978.html