Nỗi buồn của người mẹ già yếu, mù lòa
Vụ án đã được TAND TP Hải Phòng đưa ra xét xử sơ thẩm vào tháng 01/2021.
Nguyên đơn trong vụ án dân sự “Tranh chấp về kiện đòi tài sản” này là cụ bà Phạm Thị Tơ, sinh năm 1914, tại Thôn 2, xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Bị đơn là ông Hoàng Văn Khôi- con trai cụ cũng ở tại địa chỉ trên.
Một phiên tòa dân sự tại Hải Phòng (ảnh minh họa). |
Theo Bản án sơn thẩm số 03/2021, do TAND TP Hải Phòng xét xử, cụ Phạm Thị Tơ và cụ Hoàng Văn Khiết kết hôn với nhau vào khoảng năm 1952. Quá trình chung sống, hai cụ sinh được 9 người con 4 trai và 5 gái.
Trong thời gian chung sống với nhau, cụ Tơ và cụ Khiết được cấp một mảnh đất 480m2 tại thôn 2, xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo nhưng chưa được cấp GCN quyền sử dụng đất. Quá trình sử dụng đất thì cụ Tơ và cụ Khiết đã chuyển nhượng cho ông Hoàng Văn Khoa (một trong 4 người con trai) 216m2 đất và ông Khoa đã sử dụng ổn định lâu dài. Việc chuyển nhượng đất cho ông Khoa, tất cả các thành viên trong gia đình đều đồng ý.
Còn lại 264m2, cụ xây một căn nhà ngói 3 gian để ở. Một trong số 4 người con trai là vợ chồng ông Hoàng Văn Khôi ở cùng với cụ. Năm 2000, cụ Khiết mất không để lại di chúc. Gần đây cụ Tơ muốn xây một căn nhà nhỏ trên mảnh đất trên làm nhà thờ thì ông Khôi không đồng ý. Lý do là ông Khôi đã được cụ Hoàng Văn Khiết cho và toàn bộ mảnh đất đã được UBND huyện Vĩnh Bảo cấp sổ đỏ cho ông Khôi.
Lúc này Cụ Tơ mới biết sự việc và cụ chưa có ý kiến về việc cho ông Khôi diện tích đất trên, nên đã có đơn lên TAND TP Hải Phòng đề nghị hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mà UBND huyện Vĩnh Bảo đã cấp cho ông Khôi “trả lại cho cụ diện tích đất xác định bằng 132m2 và chia di sản thừa kế phần diện tích đất còn lại là di sản thừa kế của cụ Hoàng Văn Khiết với diện tích đất là 132m2 theo quy định của pháp luật”.
Tại phiên tòa, người đại diện cho ông Hoàng Văn Khôi - bị đơn trong vụ án (một trong những người con trai của cụ Tơ) cũng thừa nhận khối tải trên là của vợ chồng cụ Tơ tạo lập lúc cụ Khiết còn sống nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo ông Khôi, ông được bố mẹ là cụ Tơ cụ Khiết cho mảnh đất này và được UBND huyện Vĩnh Bảo cấp GCNQSDĐ từ năm 1996. Vợ chồng ông đóng thuế và sử dụng từ đó cho đến nay. Ông Khôi cũng không cung cấp được giấy tờ chứng minh mình được cho mảnh đất trên.
Tuy nhiên, cụ Tơ cho biết, trước đây hai vợ chồng cụ sống trên căn nhà 3 gian cùng với bếp, công trình phụ… trên mảnh đất này cùng với con trai là ông Hoàng Văn Khôi. Năm 2000 trước khi mất, cụ Khiết có dặn cụ Tơ là “phải ở nhà của mình, không ở với con nào”. Nên năm 2010, ông Khôi đã phá ngôi nhà 3 gian mà cụ đang ở và nói là “xây nhà cho mẹ ” nhưng cụ Tơ không đồng ý. Ông Khôi vẫn tiến hành phá ngôi nhà cũ để xây ngôi nhà mái bằng trên mảnh đất này; đồng thời dựng cho cụ Tơ một gian nhà nhỏ rộng khoảng 14 m2 không có công trình phụ, bếp và không có cửa sổ cũng trên mảnh đất đó ở phía cuối vườn.
Đại diện UBND huyện Vĩnh Bảo- Hải Phòng cũng xác nhận, năm 1996 là thời điểm mà UBND huyện thực hiện việc cấp sổ đỏ đại trà cho dân căn cứ vào sổ mục kê, Tờ trình và danh sách trình lên của UBND xã Giang Biên. Theo sổ mục kê, Bản đồ giải thửa xã Giang Biên năm 1994, diện tích đất trên mang tên ông Hoàng Văn Khôi nên UBND huyện Vĩnh Bảo đã tiến hành cấp sổ đỏ cho ông Khôi.
Áp dụng án lệ đối với vụ án
Sau khi xem xét hồ sơ vụ án và xác minh lời khai của các đương sự, Tòa án nhân dân TP Hải Phòng đã tuyên hủy GCNQSDĐ do UBND huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng cấp cho ông Hoàng Văn Khôi ngày 01/4/1996.
Cụ Phạm Thị Tơ, 107 tuổi, là nguyên đơn dân sự trong vụ án. |
Buộc vợ chồng ông Hoàng Văn Khôi phải trả lại cho cụ Phạm Thị Tơ diện tích đất 126.12m2 trong diện tích sổ đỏ trên. Không chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Hoàng Văn Khiết. Tòa cũng tuyên giao vợ chồng ông Hoàng Văn Khôi được quyền quản lý và sử dụng diện tích đất 171,88m2 trong diện tích đất đã được cấp sổ đỏ nói trên.
Để đưa ra phán quyết này, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định: Về đề nghị hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Hoàng Văn Khôi. Trên cơ sở lời khai của các đương sự thống nhất và chứng cứ tài liệu trong hồ sơ vụ án thấy rằng: Cụ Hoàng Văn Khiết và cụ Phạm Thị Tơ là vợ chồng, kết hôn với nhau vào khoảng năm 1952. Trong thời gian sinh sống, cụ Khiết, cụ Tơ là chủ sử dụng hợp pháp thừa đất trên.
Căn cứ các điều khoản của Bộ luật Dân sự năm 1995, Bộ luật Tố tụng dân sự xác định diện tích đất này là tài sản của cụ Khiết và cụ Tơ. Theo quy định tại Điều 15 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, cụ Hoàng Văn Khiết và cụ Phạm Thị Tơ khi sống có quyền ngang nhau đối với khối tài sản này.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 688, khoản 2 Điều 689, của Bộ luật Dân sự năm 1995 thì cá nhân hộ gia đình cũng được xác lập quyền sử dụng đất, được chuyển quyền sử dụng đất; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản và có công chúng, chứng thực. Căn cứ Luật Đất đai năm 1993 thì Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất có quyền chuyển nhượng QSD đất.
Tòa án cũng nhận định, theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì không có tài liệu nào thể hiện cụ Phạm Thị Tơ đã chuyển quyền sử dụng diện tích đất của mình trong khối tài sản chung với cụ Hoàng Văn Khiết cho vợ chồng ông Hoàng Văn Khôi.
Việc năm 1996, Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích đất 264m2 đất đứng tên ông Hoàng Văn Khôi là “Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đại trà, xã Giang Biên căn cứ bản đồ, sổ mục kê để trình Ủy ban nhân dân huyện ký cấp GCN quyền sử dụng đất". Trong khi tài sản này là của cụ Khiết cụ Tơ nhưng không có ý kiến của các cụ. cụ Tơ vẫn đang sinh sống ăn ở trên diện tích đất này và không còn chỗ ở nào khác. Do vậy TAND TP Hải Phòng đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Phạm Thị Tơ.
Tòa án cũng không chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của cụ Tơ đối với di sản của cụ Khiết. Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng Án lệ số 03/2016/AL để đưa ra phán quyết này.
Theo đó, Án lệ xác định: “Trường hợp cha mẹ đã cho vợ chồng người con một diện tích đất và người con đã xây dựng nhà kiên cố trên diện tích đất đó để làm nơi ở, khi vợ chồng người con xây dựng nhà thì cha mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì vợ chồng người con đã sử dụng nhà, đất liên tục, công khai, ổn định và đã tiến hành kê khai đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho quyền sử dụng đất”.
Căn cứ Bộ luật dân sự 1995 thì cụ Hoàng Văn Khiết đã chấm dứt quyền sử dụng tài sản của mình đối với diện tích đất là tài sản chung với cụ Tơ để cho vợ chồng con trai là ông Hoàng Văn Khôi xây dựng nhà kiên cố từ khi ông Khôi còn sống chung với bố mẹ. Nên yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Tơ đối với khối tài sản của cụ Khiết không được Tòa chấp nhận.
Phán quyết của TAND TP Hải Phòng thấu tình đạt lý, được người dân trong thôn đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, VKSND TP Hải Phòng sau đó đã kháng nghị bản án.
Tác giả: Nguyên Bình
Nguồn tin: Báo Công lý
Link nội dung: https://haiphong24h.org/me-gia-107-tuoi-de-don-ra-toa-kien-doi-dat-a127533.html