Thí điểm xây dựng KCN sinh thái, kinh tế tuần hoàn tại Hải Phòng

Tại Hải Phòng, Khu Công nghiệp Deep C và Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền đang triển khai thí điểm xây dựng phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn, bước đầu mang đến những hiệu quả, hiệu ứng tích cực.

Tuy nhiên, để triển khai rộng mô hình này, các đơn vị tiên phong đề xuất ý kiến cơ bản để Nhà nước có hướng điều chỉnh chính sách.

 Khu Công nghiệp Deep C Hải Phòng. Ảnh: deepc.vn

Tiết kiệm tài nguyên, chi phí

Theo ghi nhận tại Khu Công nghiệp Deep C và Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền, việc triển khai thí điểm xây dựng phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn đem lại nhiều giá trị thiết thực như tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Ông Eric Deruelle, Giám đốc Điều hành và phát triển bền vững, Khu công nghiệp Deep C cho biết, Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Đình Vũ (thuộc Khu Công nghiệp Deep C) là khu công nghiệp đầu tiên tại Hải Phòng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) lựa chọn thí điểm chuyển đổi mô hình khu công nghiệp hiện tại sang mô hình khu công nghiệp sinh thái, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

Theo hướng dẫn chung của các cơ quan liên quan, Khu Công nghiệp Deep C đã và đang triển khai một số hoạt động để từng bước xây dựng, phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, hướng tới mô hình khu kinh tế tuần hoàn.

Về năng lượng tái tạo, Khu Công nghiệp Deep C đang thực hiện dự án pin năng lượng mặt trời trên mái nhà của khách hàng, dự án điện gió đã chạy thử tháng 11/2021, đồng thời có kế hoạch thay thế xe thu gom rác chạy xăng, dầu bằng xe điện. Nước thải sau xử lý của tổ hợp này được sử dụng để tưới cây cho khu vực vườn ươm cùng một số hoạt động khác trong khu công nghiệp. Mục tiêu của Khu Công nghiệp Deep C là nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn sẽ cung cấp để làm mát cho các ngành sản xuất thép, sơ sợi và kính năng lượng mặt trời.

Về rác thải, Khu Công nghiệp Deep C 2 là nơi thí điểm triển khai xây dựng 200m đường từ nhựa phế thải đầu tiên tại Hải Phòng. Dự kiến các tuyến đường nội bộ của Khu Công nghiệp sẽ được trải nhựa từ phế liệu. Ngoài ra, Khu Công nghiệp Deep C còn triển khai các hoạt động khác hướng tới xây dựng khu công nghiệp sinh thái và kinh tế tuần hoàn như sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, cộng sinh công nghiệp, xây dựng trang trại hữu cơ.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec (chủ đầu tư Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền) cho biết, ngay từ khi thành lập, Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền đã định hướng và phát triển trở thành khu công nghiệp xanh, thân thiện môi trường. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 82/NĐ-CP/2018 về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, trong đó có quy định phát triển khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái.

Nhận thấy mô hình của Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền phù hợp với định hướng phát triển chung của Nhà nước, Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền đã xây dựng bộ tiêu chí với mong muốn xây dựng khu công nghiệp sinh thái, trong đó các cộng đồng doanh nghiệp sản xuất có mối liên hệ mật thiết trên cùng một lợi ích và hợp tác chặt chẽ trong quản lý các vấn đề về môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Là một doanh nghiệp đặt trụ sở trong Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền, Công ty Cổ phần Luyện thép Cao cấp Việt Nhật đã tận dụng được tối ưu những lợi thế của mô hình khu công nghiệp sinh thái và kinh tế tuần hoàn. Ông Đặng Việt Bách, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Luyện thép Cao cấp Việt Nhật cho biết, do các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có sự liên kết với nhau nên chất thải, khí thải của công ty này sẽ là nguyên liệu đầu vào của công ty khác. Việc thực hiện thu gom chất thải rắn, khí thải để trở thành nguyên liệu sản xuất trong một khu công nghiệp vừa giúp các doanh nghiệp liên quan tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời đóng góp lớn cho việc bảo vệ môi trường.

Cần chính sách đặc thù

Trong buổi làm việc gần đây của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng với đại diện Tổ hợp Khu Công nghiệp Deep C và Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền, lãnh đạo các Khu Công nghiệp đều khẳng định xu hướng tất yếu trong xây dựng khu công nghiệp sinh thái hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nêu những ý kiến kiến nghị để phát triển mô hình này.

Đại diện lãnh đạo Khu Công nghiệp Deep C cho biết, Nghị định số 82/NĐ-CP mới chỉ đưa ra những quy định áp dụng cho các khu công nghiệp hiện tại có mong muốn chuyển sang khu công nghiệp sinh thái. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu để hỗ trợ, ban hành các hướng dẫn để phát triển các khu công nghiệp mới theo hướng sinh thái và kinh tế tuần hoàn.

Ông Phạm Hồng Điệp đề xuất một số ưu đãi cụ thể để xây dựng, phát triển khu công nghiệp sinh thái như ưu đãi giảm thuế suất theo quy định hiện hành. Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho toàn bộ thời hạn thuê đối với khu công nghiệp sinh thái, miễn tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho toàn bộ thời hạn của dự án.

Ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng cho biết, mô hình khu công nghiệp sinh thái hướng tới nền kinh tế tuần hoàn phát triển ở Việt Nam chưa nhiều. Tại Hải Phòng, hiện đang có 12 khu công nghiệp đang hoạt động, trong đó chưa có mô hình khu công nghiệp chuyên sâu và mới chỉ có hai khu công nghiệp đang phát triển theo hướng sinh thái và kinh tế tuần hoàn.

Để tiếp tục phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng đã đề xuất với thành phố Hải Phòng và các cơ quan liên quan để các khu này được hưởng ưu đãi như khu công nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, Ban tiếp tục tham mưu, đề xuất thành phố quy hoạch quỹ đất để phát triển mô hình này, đồng thời xây dựng chính sách hợp tác quốc tế với các thành phố, quốc gia có kinh nghiệm trong phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

Tác giả: Minh Thu

Nguồn tin: Báo Tin tức

Link nội dung: https://haiphong24h.org/thi-diem-xay-dung-kcn-sinh-thai-kinh-te-tuan-hoan-tai-hai-phong-a127537.html