Làng gói bánh chưng xuất khẩu nức tiếng đất Cảng

Cứ mỗi dịp Tết đến, làng bánh chưng Thủy Đường (Thủy Nguyên, Hải Phòng) trở nên nhộn nhịp, mỗi ngày làm hàng nghìn chiếc cung cấp ra thị trường.

Bà Nguyễn Thị Chiều (thôn Bấc 2, xã Thủy Đường) cho biết: “Nhà tôi có 40 năm trong nghề. Ở đây gói bánh chưng quanh năm, hàng ngày chỉ gói vài chục chiếc.

Ngày lễ, rằm, mùng một gói nhiều hơn một chút, đến Tết thì mới gói nhiều. Trong làng có những hộ gói hàng trăm cái/ngày, đến Tết thì làm đến cả nghìn cái”.

 

 Bánh chưng Thủy Đường nổi tiếng vì có hương vị thơm ngon đậm đà

Ông Nguyễn Tất La - một hộ làm bánh chưng có tiếng ở Thủy Đường tâm sự, đến nay gia đình đã có qua 5 đời làm bánh chưng gia truyền. Hiện con cái ông La đang “nối nghiệp” của gia đình để lại.

Anh Nguyễn Tất Dương (cùng ở thôn Bấc 2, xã Thủy Đường) cho biết thêm: “Bánh chưng Thủy Đường không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân trong nước mà xuất khẩu cả ra nước ngoài. Ngày thường thì gói để bán tại các chợ, ngày Tết thì gói số lượng lớn theo đơn đặt hàng phục vụ Tết”.

Cũng như bà Chiều, ông La, anh Dương… nhiều người dân Thủy Đường coi gói bánh chưng là nghề truyền thống và là niềm tự hào rất riêng của quê hương.

Theo lời ông Nguyễn Tất La, để có được chiếc bánh chưng thơm ngon như ý, phải cẩn thận ngay từ khâu chọn nguyên liệu.

Gạo làm bánh ngon nhất là nếp cái hoa vàng, hạt tròn, thơm, dẻo, trắng đều. Đỗ xanh cũng phải chọn loại ngon, đậu hạt nhỏ, để nguyên vỏ, ngâm kỹ trước khi đồ. Thịt làm nhân bánh là thịt ba chỉ loại ngon, không được nạc quá cũng không được mỡ quá.

Ở Thủy Đường, gói bánh chưng không dùng đến khuôn. Bánh phải được gói chặt tay, vuông thành sắc cạnh, nhân bánh và gạo được chia với tỉ lệ đều nhau.

Bánh muốn chín xanh, rền thì nhất thiết phải đun bằng nồi tôn mới, luộc từ 12-15 giờ trong lửa đều, không quá to cũng không quá nhỏ. Yêu cầu của chiếc bánh thành phẩm là phải xanh rền, khi cắt ra phải chắc nhưng hạt gạo mềm và dẻo, ăn vào có vị thơm và béo ngậy...

Một “bí kíp” để bánh chưng Thủy Đường thơm ngon, đẹp, là nguồn nước để vo gạo, rửa lá, luộc bánh. Các cụ cao niên trong làng cho biết, nguồn nước ở đây ngọt như đường, đặc biệt là ở thôn Bấc 2, nước ngon hơn các thôn khác.

Cứ qua rằm tháng Chạp là người người đổ về Thủy Đường đặt bánh chưng. Từ 22 - 29 tháng Chạp là cao điểm, các hộ phải thuê thêm người, trắng đêm trông bánh. Từ đầu đến cuối làng, xe ô tô, xe máy đậu kín đường chờ những mẻ bánh ra lò, chuyển đến tay khách hàng khắp các tỉnh, thành trong Nam ngoài Bắc.

Trung bình mỗi ngày như thế, hàng vạn chiếc bánh chưng Thủy Đường được đưa ra thị trường để phục vụ nhu cầu Tết của người dân. Mỗi chiếc bánh chưng được bán với giá từ 30.000 - 100.000 đồng, tùy theo kích cỡ. Tuy nhiên, bánh làm ra đến đâu vẫn “cháy hàng” đến đấy.

Những năm gần đây, cứ gần đến dịp Tết, hợp đồng đặt hàng từ nước ngoài lại tới tấp gửi về. Bởi những gia đình có người thân, họ hàng đang sống ở nước ngoài thường mua bánh chưng gửi sang làm quà với mong muốn làm tăng thêm sự đầm ấm, mang chút hương vị truyền thống của quê hương đến người xa xứ.

Bánh chưng mang ra nước ngoài thường phải gói nhiều lá hơn so với hàng trong nước, để có thể vận chuyển đi xa. Những chiếc bánh này cũng có giá cao hơn so với thị trường trong nước, với giá từ 80.000 - 100.000 đồng.

Lãnh đạo xã Thủy Đường cho biết, làm bánh chưng đã trở thành một nghề đem lại một nguồn thu không nhỏ cho các hộ dân địa phương. Với mỗi chiếc bánh chưng được bán ra thị trường từ 40.000 - 60.000 đồng, trung bình cũng cho thu nhập hàng chục triệu đồng/ người/tháng.


Tác giả: Đông Bắc

Nguồn tin: Báo Giao thông

Link nội dung: https://haiphong24h.org/lang-goi-banh-chung-xuat-khau-nuc-tieng-dat-cang-a128239.html